Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 13/8/2014, 14:46 (GMT+7)

Đường treo 20 năm sắp được thực hiện

Dự án phố Trần Phú kéo dài ra phố Kim Mã (Hà Nội) khiến hàng trăm hộ dân sống trong thấp thỏm được hứa hẹn sẽ thông xe vào tháng 10/2014.

Tháng 5/2012, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu UBND quận Ba Đình kết thúc công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng tuyến đường Trần Phú - Kim Mã trong tháng 9 để khởi công dự án trong tháng 10, phấn đấu hoàn thành vào đầu năm 2013. Trong tầm nhìn của những người làm quy hoạch, dự án này đã có từ năm 1992. Đến tháng 7 âm lịch của năm 2014, người dân phố Thanh Bảo (phường Kim Mã, nằm trong diện giải tỏa phục vụ dự án) vẫn họp chợ trong con phố chật hẹp.

Theo quy hoạch, tuyến đường này dài 450 m, rộng 22 m (gồm 2 làn xe, mỗi làn rộng 6 m, vỉa hè mỗi bên rộng 5 m), điểm đầu tuyến giao với nút Lê Trực - Trần Phú - Ông Ích Khiêm, điểm cuối tuyến giao với Kim Mã - Nguyễn Thái Học - Sơn Tây. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 225 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 18 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) gần 150 tỷ đồng. 

Tổng diện tích đất thu hồi của dự án là 11.750 m2, liên quan đến 187 hộ dân phường Kim Mã và 32 hộ dân phường Điện Biên (quận Ba Đình). Trong đó, 170 hộ phải tái định cư, đã được thành phố chấp thuận bố trí vào khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và nhà NO7 khu 5,3 ha phường Dịch Vọng.

Đa số các hộ dân đã nhận tiền đền bù với mức 85 triệu đồng/m2 theo quy định, tương đương với 1/3 giá đất trên thị trường cùng thời điểm. Có những chủ cửa hàng thuê nhà, dù chủ nhà đã di chuyển đến nơi ở mới, nhưng họ vẫn cố ở lại bán hàng chờ đến khi nhà bị phá dỡ mới đi.

Ông Phạm Văn Phúc (75 tuổi) đã sống ở đây được 40 năm. Ông Phúc đứng ở khoảng không giữa 2 nửa ngôi nhà khi nửa trước đang chuẩn bị phá dỡ. Phần còn lại nhà của ông Phúc là 30 m2 cách mặt đường mới 5 m.

Chị Pham Thị Toan ở phố Sơn Tây được 21 năm, đã nhận tiền đền bù 85 triệu/m2, nhưng do chưa có nhà tái định cư nên chị vẫn tiếp tục ở lại. Chị cho biết gia đình chị nhận suất tái định cư 72 m2 tại tòa nhà CT1A, trên đường Phạm Văn Đồng.

Nhiều hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa đi vì chưa có nhà tái định cư, họ lại không muốn thuê nhà để tiết kiệm tiền. Gia đình ông Phạm Văn Phúc có 4 khẩu, diện tích ngôi nhà của ông là 64 m2, dự án lấy đi 35 m2. Do vậy, những người con của ông phải đi thuê nhà để chờ đến lượt được mua nhà chung cư giá rẻ. 

Trên cơ sở quy hoạch tuyến đường được phê duyệt từ năm 1998, Hà Nội quyết tâm không để tái diễn tình trạng công trình siêu mỏng, siêu méo hai bên đường sau mở rộng. Công trình tại các ô đất có chức năng phù hợp quy hoạch và đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng thì được phép xây dựng, cải tạo, chỉnh trang với tối đa 5 tầng, một tum thang và nhiều quy định khác.

Dự án tiếp tục được hứa hẹn sẽ bàn giao mặt bằng cho Sở Giao thông và thông xe vào tháng 10/2014. Nhiều hộ dân sau khi chủ động tự tháo dỡ nhà đã tìm cho gia đình mình những phương án mới khi không còn chỗ ở. Đoạn giữa của dự án (từ phố Lê Trực, bên sườn phố Thanh Bảo cắt ngang phố Sơn Tây) đang được giải tỏa. 

Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch quận Ba Đình, cho biết, phần lớn hộ dân đã nhận tiền đền bù song vẫn còn một vài hộ chưa nhận tiền, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Quận đang tiến hành họp bàn về nguyên nhân các hộ chây ỳ và sẽ chốt thời điểm yêu cầu các hộ dân di dời vào cuối tuần này. Nếu người dân không chấp hành sẽ áp dụng biện pháp hành chính.

Giang Huy - Đoàn Loan