Từng xuất hiện trong một vài chương trình tác giả - tác phẩm như "Con đường âm nhạc" - liveshow thứ hai mang tên "Im lặng" trên VTV3 (12/6/2005), "Họa mi hót trong mưa" trên VTC (24/4/2010) nhưng chỉ với tư cách khách mời, đến "Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi", Dương Thụ mới thực sự làm "chủ". Ông là người lên ý tưởng, viết kịch bản, biên tập âm nhạc và lựa chọn êkíp thực hiện.
Ít lời và kín kẽ, Dương Thụ không đem những lời hoa mỹ ra PR cho chương trình. Ông thừa nhận có những điều không được như mong muốn bản thân khi tham gia những chương trình chung. Nhiều người thân cũng hỏi ông về việc sao không làm một đêm nhạc riêng kỷ niệm sự nghiệp, nhưng Dương Thụ cho rằng nếu đã làm thì phải được làm theo ý mình từ A đến Z, và như thế đồng nghĩa với việc, tìm cho mình những người ưng ý từ ca sĩ thể hiện, tới nhạc công, đạo diễn sân khấu.
Sáng tác của Dương Thụ không nhiều, cũng không được nhiều người yêu thích nhưng vẫn có một bộ phận khán giả riêng. Hơn nữa, điều làm Dương Thụ trăn trở là nhạc xưa vẫn chiếm lĩnh nhiều sân khấu ca nhạc, vô tình để lại những khoảng trống thời đại, khiến nền âm nhạc Việt khó phát triển. Việc công diễn những tác phẩm âm nhạc hiện đại, chuyên nghiệp là cần thiết và một nhạc sĩ như ông thấy mình có trách nhiệm làm điều này.
Dương Thụ nhất quyết tổ chức đêm nhạc "Những câu chuyện kể của tôi" ở Hà Nội, nơi ông sinh ra và lớn lên, dù hiện tại nơi đây đã là "một Hà Nội khác" so với những gì Dương Thụ lưu giữ trong kỷ niệm. "Những năm đầu thập niên 60, Hà Nội rất nghèo nhưng vẫn có dàn nhạc giao hưởng của mình. Nhà hát Lớn trở thành thánh đường của nghệ thuật dù công chúng của nó là những người "áo vải". Quán ăn không thu hút bằng hiệu sách. Tôi từng nhịn ăn để mua sách, mua tổng phổ nhạc... Hà Nội bây giờ, người làm chủ là những ‘danh gia vọng tộc đời mới’. Nhà cửa, xe cộ thừa mứa, tiện nghi hiện đại. Ăn chơi xa xỉ, xả láng. Còn lại dân ‘vỉa hè’ nói là chủ cho sang thôi, thực ra họ là dân nghèo thành thị đúng nghĩa. Nếu ai đi từ 1954 trở về sẽ không tìm thấy Hà Nội của mình. Và những người ra đi sau 1975 như tôi cũng hiểu rằng nếu muốn còn yêu Hà Nội thì phải tập làm quen với những đổi thay, phải chấp nhận dần dần Hà - Nội - khác và phải có một cách nhìn khác" - Dương Thụ tâm sự. Chọn Nhà hát Lớn làm địa điểm tổ chức hai đêm nhạc của mình tối 9-10/11 là cách để Dương Thụ sống cùng kỷ niệm.
"Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi" mở đầu cho series chương trình tác giả - tác phẩm Cửa sổ âm nhạc không lấy ca sĩ làm đối tượng chính như những show khác mà chú trọng, tôn vinh tác giả, tác phẩm. Chương trình pha trộn giữa phong cách thính phòng đương đại với nhạc nhẹ, hội tụ những nghệ sĩ từng gắn bó với Dương Thụ trong suốt quá trình hoạt động âm nhạc: các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trọng Tấn, Hà Linh, các nhạc sĩ: Bảo Chấn, Quốc Trung, Huy Tuấn, Anh Quân và đạo diễn Việt Tú.
"Vì đây là chương trình dành cho nhạc sĩ và các tác phẩm cho nên với nhiều ca khúc, chúng tôi vẫn sử dụng bản phối cũ nhưng sẽ làm cho nó hay hơn. Những bản phối này sẽ phải đáp ứng các yếu tố như mang tính nghệ thuật, ăn nhập với tác phẩm và khán giả phải nghe được. Chúng tôi không lựa chọn hình thức làm mới, bởi làm mới bao giờ cũng dễ hơn là làm hay hơn những gì từng thành công trước đó. Tôi và nhạc sĩ Dương Thụ đều là những người cầu toàn trong âm nhạc nên từ khi ra ý tưởng đến lúc lựa chọn dàn nhạc, nhạc công, hợp xướng, ca sĩ cho đến khi dàn dựng chương trình, chúng tôi luôn cố gắng để làm thế nào đạt được hiệu quả tốt nhất" - nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ trong vai trò dàn dựng âm nhạc.
"Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi" không chỉ là một chương trình biểu diễn âm nhạc mà còn tạo không gian giao lưu giữa khán giả với tác giả và các nghệ sĩ. Preshow "Cà phê với nghệ sĩ" sẽ diễn ra 50 phút trước giờ mở màn dành cho toàn bộ khán giả tham dự, tại sảnh trước khán phòng Nhà hát Lớn.
Huy Phạm