Tại buổi ra mắt album Dương Thụ - 80 năm, một giấc mơ, chiều 31/3, Dương Thụ nói chờ đợi ngày có một đĩa than riêng từ rất lâu. "Ở tuổi ngoài 80 cùng 50 năm hoạt động âm nhạc, giấc mơ tôi ấp ủ giờ thành hiện thực", ông nói. Trước đó, ông thực hiện gần 20 album từ casette tới CD, phần lớn xuất hiện chung cùng tác giả khác, số còn lại nằm trong album cá nhân của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và loạt ca sĩ.
Dương Thụ khiến khán giả cười ồ khi tiết lộ vợ dặn "phải ăn nói cho cẩn thận" ở buổi ra mắt album, do vậy, ông cầm giấy đọc lời dẫn. Nhạc sĩ ví đĩa than như "bản tổng kết âm nhạc". Trong 107 nhạc phẩm từng được các ca sĩ trình diễn, thu âm từ năm 1980, ông tuyển chọn 16 bài phổ biến nhất. Với quan niệm âm nhạc là "ký ức một thời", nhạc sĩ gốc Hà Nội cố tìm bản thu gốc, chỉ thu mới nếu thật cần thiết.
Cụ thể, đĩa Vol.1 gồm Nghe mưa (Nguyên Thảo thể hiện, album Suối cỏ), Em đi qua tôi (Nguyễn Trần Minh Đức, thu mới), Tháng tư về (Khánh Linh, album Họa mi hót trong mưa), Gọi anh (Thanh Lam, album Mây trắng bay về), Vẫn hát lời tình yêu (Hồng Nhung, album Nghe mưa 1), Hát cho anh (Mỹ Linh, album Made in Vietnam), Bay vào ngày xanh (Minh Đức, thu mới) và Lắng nghe mùa xuân về (Hồng Nhung - Bằng Kiều, album Bài hát ru cho anh).
Đĩa Vol.2 tập hợp tám nhạc phẩm: Họa mi hót trong mưa (Khánh Linh, album cùng tên), Bóng tối ly cà phê (Bằng Kiều, thu mới), Tiếng sóng biển (Hồng Nhung - Bằng Kiều, album Bài hát ru cho anh), Mong về Hà Nội (Hồng Nhung, album Đoản khúc thu Hà Nội), Im lặng (Nguyên Thảo, album Suối cỏ), Gửi mùa đông (Bằng Kiều, ablum Chuyện lạ), Mây trắng bay về (Thanh Lam, album cùng tên) và Cho em một ngày (Hồng Nhung, album Hồng Nhung với Làn sóng xanh).
Suốt chương trình, niềm hạnh phúc "giấc mơ thành hiện thực" thể hiện rõ trong ánh mắt nhạc sĩ. 15h chương trình mới bắt đầu, 13h, ông cùng êkíp đến điểm hẹn, tất bật chỉ đạo đội ngũ âm thanh, ánh sáng kiểm tra khâu cuối, tỉ mẩn như cách ông thả hồn vào âm nhạc suốt 50 năm. Tác phong dứt khoát và bước chân thoăn thoắt của Dương Thụ khiến mọi người bất ngờ, không nghĩ ông 81 tuổi.
Chương trình có nhiều khách mời như nhạc sĩ Trần Tiến, Bảo Chấn, Huy Tuấn, Viết Tân - những gương mặt Dương Thụ gọi là "bạn già", đàn em thân thiết. Vì bận, Hồng Nhung, Bằng Kiều cùng các ca sĩ từng gắn bó Dương Thụ không thể tham gia, nhưng đều nhắn tin, gọi điện chúc mừng ông. Trong tiếng trò chuyện rôm rả trước lúc khai màn, nhiều khán giả nói hoài niệm khi giai điệu Em đi qua tôi, Bay vào ngày xanh vang lên.
Với chất giọng dung dị, chậm rãi, Dương Thụ nói về những cảm xúc mâu thuẫn, nghịch lý trong ông khi sáng tác. "Năm lên chín tuổi, tôi mới thấy biển. 16 tuổi, tôi nhìn thấy em, từ đó chớm biết cái rộng, cái xa, điều không thể chạm tới. Vậy mà đến giờ tôi vẫn hát mãi giấc mơ đó", ông cho biết.
Dương Thụ lý giải trong ngày đông giá lạnh, ông hát về mùa xuân, sống trong con hẻm chật chội, lại ca về biển rộng. Ngoài 40 tuổi chẳng có một mối tình thực sự và chưa bao giờ chạm tay "em", nhạc sĩ vẫn hát về tình yêu trong sáng.
"Đó là nghịch lý, điều ấy đã tạo thành tôi, sinh ra loạt ca khúc trong hơn nửa thế kỷ. Những bài hát của tôi đượm buồn nhưng nó là sự mạnh mẽ mà người đàn ông như tôi có thể có được", ông nhấn mạnh, đồng thời nhắc tên dàn ca sĩ hai thế hệ "đã làm sống lại nghịch lý đó" qua các đêm diễn lẫn album của họ.
Khi Dương Thụ xúc động nói về hành trình ông từng kinh qua, ngồi phía dưới, Trần Tiến vỗ tay, cảm động, vui lây cho đàn anh. "Dương Thụ là người mơ mộng nhất trong nhóm chúng tôi, đĩa than hôm nay xứng đáng với 80 năm một giấc mơ", Trần Tiến nói. Trần Tiến giải thích thêm Dương Thụ luôn nhìn vào bên trong, đối diện bức tường để viết, khác hẳn việc ông toàn tìm cảm hứng sáng tác từ bên ngoài.
Trần Tiến cũng khiến người yêu nhạc hoài niệm khi nói về "Tứ quái sông Hồng"- biệt danh nhà thơ Thụy Kha tặng cho nhóm bạn thân gồm Dương Thụ, Nguyễn Cường, nhạc sĩ Phó Đức Phương và Trần Tiến (tính theo độ tuổi từ cao đến thấp hơn). Bốn thanh niên hừng hực sức trẻ vốn xa lạ, bỗng thân thiết nhờ đồng điệu âm nhạc. Ban đầu, họ không hỏi nhau tuổi thật, xưng hô "cậu - tớ, mày - tao". Về sau, Phó Đức Phương yêu cầu mọi người thay đổi, gọi "anh", xưng "em".
Với vai trò anh cả, Dương Thụ dẫn dắt, định hướng, giúp đỡ các em. Họ dần tạo tiếng vang nhờ loạt ca khúc ý nghĩa. Danh xưng Thụ "Giáo sư", Cường "Cuồng nhiệt", Phương "Gàn", Tiến "Bụi" được khán giả nhớ mặt, yêu mến. Về sau, nhiều người còn gọi nhóm là "Bộ tứ sông Hồng".
Bảo Chấn cũng nhắc lại một thời bị Dương Thụ "mắng như cơm bữa" vì sáng tác lỗi, thiếu cảm xúc. Hầu hết nhạc phẩm Bảo Chấn viết sau thập niên 1990 được Dương Thụ hỗ trợ chỉnh sửa. "Cảm ơn anh đã giáo dưỡng, chỉ dạy em nhiều điều. Nhờ những lần anh mắng, em mới biết cách viết một ca khúc", Bảo Chấn nói.
Nhạc sĩ Huy Tuấn ngưỡng mộ sức sáng tạo và sự nghiệp đồ sộ của Dương Thụ. Với anh, Dương Thụ là "nhân tố tạo hit", mang lại tác động tích cực. Anh cho rằng đĩa than gồm 16 tác phẩm vang bóng là tuyển tập không thể thiếu với người yêu nhạc trẻ, những người thực sự muốn hiểu mốc son góp phần hình thành thị trường âm nhạc đại chúng đương đại lẫn nhạc sĩ lớn của thế kỷ 21.
Ngoài giao lưu của nhạc sĩ, chương trình còn có màn trình diễn của dàn nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM (HSBO). Phạm Khánh Ngọc khoe giọng nữ soprano cao với Họa mi hót trong mưa. Trần Thanh Nam ghi dấu chất tenor cùng Bay vào ngày xanh. Hồng Dịu hát Im lặng cùng quãng giọng mezzo soprano. Lắng nghe mùa xuân về, do Thanh Nam - Hồng Dịu thể hiện, phần nào tái hiện màn kết hợp kinh điển của Hồng Nhung - Bằng Kiều. Nhạc sĩ mời Trần Nguyễn Minh Đức - kiến trúc sư từng du học Milan, Italy - thể hiện Em đi qua tôi.
Dương Thụ cho biết sẽ tổ chức thêm một buổi giao lưu tại Hà Nội, một phần tri ân khán giả đã yêu mến ông, phần khác muốn tái ngộ các ca sĩ góp giọng trong đĩa than. Nhạc sĩ cũng hy vọng số đĩa Vol.1, Vol.2 ít ỏi có thể len lỏi, vang lên ở khắp phòng trà, quán cà phê, tụ điểm giải trí và đến tận tay người thực sự yêu nhạc.
Vỹ Cầm