![]() |
|
Nếu khủng long giống như những loài bò sát hiện đại ngày nay - cá sấu chẳng hạn - chúng sẽ thay đổi giới tính theo nhiệt độ môi trường, David Miller thuộc Đại học Leeds ở Anh và cộng sự ghi nhận. Và khi đó, chỉ một sự mất cân nhỏ về giới tính trong quần thể sẽ dẫn loài đến bờ tuyệt chủng.
Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng một hoặc nhiều thiên thạch có thể đã kích hoạt một chuỗi những biến đổi khí hậu trên toàn cầu, tiêu diệt khủng long và nhiều loài khác trên trái đất. Chúng có thể làm bốc lên những đám mây bụi khổng lồ che ánh mắt trời, khiến hành tinh lạnh đi, hoặc khơi mào cho hoạt động núi lửa khiến tro bụi văng lên nhiều hơn.
Không ai thực sự biết rõ liệu khủng long giống như bò sát, hay ở đâu đó gần với thú hơn. Bò sát trao đổi chất theo cơ chế khác xa so với thú, và cũng có những cách riêng để xác lập giới tính của con non.
Ở thú (động vật có vú), nếu con non nhận được 1 nhiễm sắc thể X và 1 nhiễm sắc thể Y, nó sẽ là con đực, và nếu nhận cả hai X, số phận định đoạt nó là cái, với rất ít ngoại lệ. Cơ chế này đúng với cả chim, rắn và một vài loài bò sát như thằn lằn. Nhưng ở cá sấu, rùa và một vài loài cá, nhiệt độ ấp trứng có thể chi phối đến giới tính của bào thai.
Nhóm của Miller đã thực hiện một phân tích cho thấy, về lý thuyết, nhiệt độ thay đổi kéo theo sự chiếm ưu thế của giống đực. Trong khi đó, các nghiên cứu khác chỉ ra rằng, khi quần thể chỉ còn vài con cái, quần thể ấy sớm muộn cũng diệt vong.
"Trái đất ở vào thời kỳ 65 triệu năm trước không quá độc đến mức vùi dập hết sự sống, nhiệt độ chỉ thay đổi chút xíu thôi. Song những sinh vật khổng lồ này đã không tiến hóa nổi một cơ chế di truyền phù hợp với điều kiện mới", tiến sĩ Sherman Silber, một chuyên gia về sinh sản tại Đại học St. Louis, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhưng cá sấu và rùa đã vượt qua "cửa tử" 65 triệu năm trước, chúng làm thế nào để sống sót? "Những động vật này sống ở môi trường nửa nước nửa cạn, trong các vùng đầm lầy cửa sông, nơi chúng được bảo vệ trước những thay đổi khắc nghiệt của môi trường, và vì thế, chúng có thêm thời gian để thích nghi", nhóm nghiên cứu giải thích.
Bích Hanh (theo Reuters)