Hiện nay, những đường sắt treo duy nhất đang hoạt động trên thế giới nằm ở Nhật Bản và Đức. Tại Đức, Wuppertal Schwebebahn là công trình đường sắt treo nguyên bản nhưng ngày nay vẫn hoạt động tốt không kém thời kỳ hoàng kim. Tất cả bắt đầu vào thập niên 1880, khi công nghiệp phát triển nhanh chóng, thương gia kiêm kỹ sư Eugen Langen đã thử nghiệm dùng đường sắt treo để vận chuyển hàng hóa tại nhà máy đường ở Cologne.
Trong khi đó, thị trấn Wuppertal ở gần đó đang gặp phải một vấn đề. Ngành dệt may ở địa phương bùng nổ khiến khu vực này phát triển từ khu định cư nhỏ ven sông Wupper thành đô thị 40.000 cư dân với nhu cầu đi lại cao. Do thung lũng sông dài và quanh co khiến đường sắt truyền thống hoặc xe điện trên mặt đất trở nên bất khả thi. Các nhà chức trách đã kêu gọi sáng kiến giải quyết vấn đề.
Năm 1893, Langen gửi thiết kế đường sắt treo cho chính quyền thành phố. Quá trình xây dựng bắt đầu vào năm 1898 và tuyến đường sắt khánh thành vào năm 1901 với tổng chi phí 680 triệu USD. Đích thân hoàng đế Wilhelm II đã tham gia buổi chạy thử nghiệm đường tàu cùng với vợ ông là Auguste Viktoria.
Gần 20.000 tấn thép được sử dụng để tạo ra tuyến đường sắt trên cao uốn lượn qua thành phố với 20 nhà ga đẹp mắt. Các khoang tàu làm từ kính và gỗ có thể chở 65 hành khách mỗi toa. Mạng lưới được mở rộng dần và đạt chiều dài 13,3 km vào năm 1903. Hành trình bắt đầu và kết thúc ở nút giao giữa ga Vohwinkel và Oberbarmen.
Đường sắt mới thu hút rất nhiều người dân địa phương. Trong vài năm sau đó, chiều dài đoàn tàu tăng từ 2 lên 6 toa, cứ 5 phút lại có một chuyến. Số lượng hành khách giảm vào Thế chiến I do nhiều công nhân ở Wuppertal nhập ngũ, nhưng năm 1925, mạng lưới đã chở 20 triệu hành khách qua sông Wupper.
Ngày nay, Schwebebahn vẫn hoạt động như tàu chở người đi làm với 25 triệu hành khách mỗi năm trước khi xuất hiện đại dịch Covid. Tính đến năm 1999, đường tàu này vẫn được coi là phương tiện vận chuyển công cộng an toàn nhất ở Đức với một vài tai nạn nhỏ trong gần 100 năm vận hành. Sau một số sự cố, đường tàu mở cửa trở lại vào năm 2019 và vẫn tiếp tục được người dân Wuppertaler sử dụng rộng rãi.
An Khang (Theo CNN)