Theo báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (hợp nhất) đạt doanh thu 8.503 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng. Người lao động trong ngành có thu nhập trung bình 9,5 triệu đồng mỗi tháng, đạt 105 % so với cùng kỳ.
VNR đã trải qua 3 năm giảm doanh thu và lợi nhuận âm liên tiếp. Năm 2020 lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 654 tỷ đồng và 111 tỷ đồng trong năm 2022.
Riêng Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu 6.247 tỷ đồng, bằng 113% cùng kỳ và đạt 96 % kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 tỷ đồng trong khi năm 2022 lỗ 173 tỷ.
Theo lãnh đạo VNR, kết quả kinh doanh khả quan do vận tải hành khách bằng đường sắt dần hồi phục. Năm qua, VNR vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách, bằng 135% cùng kỳ năm trước.
Lượng khách và doanh thu tăng cao là nhờ doanh nghiệp áp dụng chính sách giá vé thu hút nhu cầu vào các ngày thấp điểm, giảm đến 50% giá vé tùy loại chỗ, khai thác tour du lịch tàu hỏa, đưa vào khai thác đoàn tàu chất lượng cao. Nhiều chương trình khuyến mãi khác như mua ba vé tặng một, giảm giá nếu mua nguyên phòng hoặc nguyên toa.
Tuy nhiên, sản lượng vận chuyển hàng hóa giảm mạnh, đạt 4,6 triệu tấn, bằng 81% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 3.973 tỷ đồng, bằng 107% cùng kỳ.
Năm 2024, Ban lãnh đạo xác định hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong vận tải hành khách từ tuyến hàng không và đường bộ, giảm giá cước vận tải hàng hóa. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, trong đó sản lượng vận tải tăng khoảng 7,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11 % so với cùng kỳ.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gồm 25 công ty con, 17 công ty liên doanh, liên kết với tổng số lao động là 22.041 người. VNR đang được Nhà nước giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt tổng chiều dài 3.143 km, gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam.