Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ cuối tháng 3, lượng khách đi tàu giảm trên 90% so với trước dịch. Ngành đường sắt hiện chỉ duy trì một đôi tàu Bắc Nam hàng ngày để đảm bảo an sinh xã hội, trong khi hạ tầng đường sắt toàn tuyến vẫn phải vận hành. Bên cạnh đó, lưu lượng hàng hóa lưu thông cũng sụt, dự kiến còn giảm sâu thời gian tới.
Lượng khách từ tháng 3 giảm do dịch song người dân đi lại nhiều vào dịp cao điểm Tết nên doanh thu vận tải quý 1 đạt 1.012 tỷ đồng, bằng 91% so với kế hoạch và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu vận tải hành khách là 650 tỷ đồng, vận tải hàng hóa là 346 tỷ đồng.
Ngành đường sắt đã chuẩn bị 3 kịch bản. Nếu Covid-19 kết thúc trong quý II thì dự báo doanh thu cả năm đạt 1.400 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch năm, lỗ 694 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập của người lao động 6,6 triệu đồng một tháng (bằng 82% kế hoạch năm).
Kịch bản dịch kết thúc trong quý III, doanh thu đạt 1.227 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm, lỗ 842 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động chỉ còn 6,2 triệu đồng. Kịch bản xấu là kéo dài đến cuối năm nay thì doanh thu chỉ đạt 1.114 tỷ đồng, toàn ngành lỗ 936 tỷ đồng.
Để duy trì hoạt động vận tải, các đơn vị đường sắt đang tổ chức thêm các đoàn tàu hàng với tốc độ gần bằng tàu Thống Nhất để thu hút doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ Nam ra Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, phối hợp với đường sắt Trung Quốc khai thác các đoàn tàu liên vận quốc tế chở container lạnh xuất khẩu hoa quả, thủy hải sản giữa hai nước.
Tổng công ty Đường sắt kiến nghị được miễn một loạt thuế phí như thuế thu nhập cá nhân, phí công đoàn, phí sử dụng kết cấu hạ, giảm tiền thuê sử dụng đất và được khoanh nợ, giảm lãi vay ngân hàng.