* Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong đó có Đường Sắt Cao Tốc vốn nằm trong lĩnh vực chuyên môn của tôi và tôi cũng tham gia học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực này tại Châu Âu - cái nôi của tàu cao tốc. Vì đã có nhiều ý kiến tranh luận trên tinh thần khoa học, nên tôi xin được trình bày dưới một góc nhìn hài hước, bình dân hơn.
Lại nói từ ngày giá thực phẩm đại nhảy vọt, lâu lâu lại cúm gà, heo tai xanh, bữa cơm trở nên đạm bạc với quả cà, chén nước mắm với con cá trích xương nhiều hơn thịt. Ngày ngày tới sở làm trong nỗi khổ triền miên của tắc đường và những cơn mưa bụi. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, sông hồ cạn kiệt, cắt điện diễn ra như cơm bữa khiến giấc ngủ đêm hè sao mà khó đến. Đêm đêm, văng vẳng tiếng mụ vợ than thở chuyện chợ búa đắt đỏ, chuyện học hành của con cái tốn kém. Gian nhà thuê trọ bé xíu rung lên bần bật vì tiếng máy của công trường xây dựng ngoài kia. Thành phố đang ngày một mở mang, khu dân cư quy hoạch mọc lên như nấm sau cơn mưa. Những toà nhà cao ngất ngưỡng ngạo nghễ mọc lên như minh chứng cho siêu lợi nhuận của ngành bất động sản. Một tỉ, hai tỉ rồi lên 3 bốn tỉ, niềm mong mỏi của cặp vợ chồng cử nhân - kỹ sư cứ mãi rời xa dần dành chỗ cho những lô đất trống, căn hộ rỗng của giới đầu cơ.
Canh một, canh hai rồi cũng tới lúc chìm vào giấc ngủ bỏ lại những bộn bề cuộc sống cho ngày mai khi ông mặt trời thức dậy. Thoát hồn khỏi thực tại, ta mơ mình lạc vào một xứ sở mộng mơ, sáng hút thuốc lào ở Hồ Gươm, trưa nhâm nhi café ở hồ Con Rùa. Đoàn tàu cao tốc lướt bay vun vút bỏ phía sau màu xanh bát ngát của cánh đồng đôla nợ còn thơm mùi mực. Khoảng cách địa lý trở nên nhỏ nhoi trước sức mạnh của đồng tiền. Đất nước hình chữ S rất đỗi thân thương không còn xa cách trong niềm vui hỉ hả của người công nhân xa quê, của cô cậu học trò háo hức về nhà thăm bố mẹ mỗi dịp lễ Tết.
Bao năm mơ ước thoát nghèo còn dang dở, tham vọng có trường ĐH trong top 200 sao xa vời thế. Bỗng chốc nước Nam ghi danh vào top 20 những quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu hệ thống Đường Sắt Cao Tốc, niềm vinh dự này lớn lao lắm thay. Chợt lòng thấy căm hận những kẻ tự hạ mình cho rằng đang ở sau Nhật, Pháp hàng trăm năm. Chỉ với dự án này thôi, chúng ta đã sánh vai với các cường quốc năm châu.
Người Việt trở thành những công dân lạc quan bậc nhất thế giới. Sáng chè xanh cồn cào, trưa cơm cà với nồi canh toàn quốc, tối về một gói mì tôm nhưng mỗi ngày mất 30 phút phân vân lựa chọn con Mẹc hay con Cam rì để phóng tới sở làm. Ăn chơi xá chi tốn kém, nhà ta có thể ở trọ, đường có thể tắc, tiền không có thì ta vay ngân hàng nhưng đã chơi là phải tới bến. Phen này ta quyết mua xe hơi cho bằng chị bằng em với mấy tên nhà giàu.
Vì thế, ta giận điên lên vì nhóm người chủ trương bàn lùi. Hành khách không đông thì rồi sẽ đông, hàng hoá không chuyên chở bằng tàu cao tốc thì ta xây thêm đường tàu thường hoặc nhờ bạn đường bộ. Lại có kẻ dèm pha chuyện trả nợ, ô hay lo gì ba cái chuyện lẻ tẻ mặc dù số tiền đầu tư lớn hơn 3 lần tổng dự trữ ngoại tệ quốc gia (khoảng 20 tỉ). Ta giận lắm đám người lo chuyện bao đồng, chả nhẽ các ngươi không mong được đi lại nhanh chóng - tiện nghi. Ta còn nhớ những chuyến tàu ì ạch Bắc Nam kéo dài lê thê 30h mà thèm khát những con tàu cao tốc băng băng chỉ trong 6 tiếng. Trong mơ, bay bổng với tốc độ 300km trên giờ của Shinkansen, ta gật đầu cái rụp với viễn cảnh tươi sáng này. Nợ nần là việc quốc gia đại sự ở thì tương lai, trong khi lợi ích của việc rút ngắn thời gian đi lại là rõ ràng cho mỗi cá nhân chúng ta. Thử hỏi đã có nước nào người ta chia mấy chục tỉ đô nợ nần cho mỗi người vài ngàn phải trả đâu mà phải lo.
Ta giận lắm những người phá đám ấy nên chẳng muốn dung nạp họ lên những toa tàu hiện đại. Đường sắt cao tốc chỉ như một món ăn cao lương mỹ vị thêm vào thực đơn sẵn có đâu có phá hoại gì tới lợi ích của họ. Người giàu vẫn đáp máy bay từ HN vào SG, người nghèo vẫn vạ vật trên những chuyến xe tốc hành. Tàu cao tốc của ta không làm thay đổi gì đáng kể cục diện kinh tế - xã hội đã đang tồn tại, có chăng chỉ là sự thay đổi thị phần vận chuyển và thêm một sự lựa chọn cho mọi người.
Ta giận lắm những người lớn giọng phê phán hiệu quả tài chính kém và không có khả năng hoàn vốn. Rõ là ấu trĩ khi cái ta mong chờ là một thứ hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội – an ninh quốc phòng như trường hợp đường Hồ Chí Minh.
Chợt bừng tỉnh vì tiếng muỗi vo ve mà cây quạt đã ngừng quay vì cắt điện luân phiên. Ta gác tay lên trán hồi tưởng lại giấc mơ đẹp. Nghĩ tới đây chợt giật mình vì ĐSCT chỉ như một sự lựa chọn bổ sung trung gian giữa các phương thức vận tải sẵn có; nó chỉ làm cho thị trường vận chuyển thêm tính cạnh tranh chứ đào đâu ra một cuộc cánh mạng mang tính khai phá. Làm sao có những đô thị, những trung tâm công nghiệp mở mang 2 bên đường như thể đem điện về với bản làng trong trường hợp đường HCM. Giá vé đắt ngang ngửa đường không và cự ly 2 ga lớn khiến tàu cao tốc chưa bao giờ là phương tiện sử dụng để giãn dân, như giấc mơ sáng sáng cắp cặp ra ga Vinh đi làm ở thủ đô. Chi phí vận hành đắt đỏ khiến tàu cao tốc chưa bao giờ giữ vai trò đáng kể trong việc vận chuyển hàng hoá. Và như thế, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế là không tương xứng với đống tiền khổng lồ bỏ ra.
Trong bối cảnh lợi ích kinh tế không thuyết phục (*), đề xuất đầu tư phải là doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu chứ không phải là móc hầu bao của nhà nước để con cháu è cổ trả nợ trong tương lai. Cũng là nhanh chóng tiện nghi, ta nghĩ tới vai trò của các hãng hàng không hoạt động cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường. Trong trường hợp này nhà nước chỉ cần đứng ngoài cuộc thổi còi động viên mà không cần vay nợ một khoản tiền rất lớn.
Ngoài ngõ tiếng rao bánh mì lúc trầm lúc bổng báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Thiên hạ hối hả đổ xô ra đường vì một cuộc trường chinh kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ cho chặng đường vài km. Có một giấc mơ năm 2030 sáng hút thuốc lào ở Hồ Gươm, trưa nhâm nhi café ở hồ Con Rùa và có một thực tế là Hà Nội phấn đấu tới năm 2030 không tái diễn cảnh rời nhà từ sáng sớm và đến sở làm khi đã quá trưa…
-------------------------------------------
(*) Trên thực tế, có nhiều công trình mặc dù không có khả năng hoàn vốn về mặt tài chính, nhưng nhà nước vẫn đầu tư để tạo cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế. Đặc biệt là các dự án đường bộ mở mang phát triển kinh tế ở các khu vực khó khăn. Dự án Đường sắt cao tốc đương nhiên có lợi ích về mặt kinh tế nhưng không tương xứng với số vốn khổng lồ. Và lợi ích mang lại do thúc đẩy phát triển kinh tế trở nên nhỏ nhoi nếu so với việc đem số tiền này đầu tư phát triển mạng lưới đường cao tốc ngang dọc đất nước và nâng cấp đường sắt hiện có.
Nguyễn Việt