Vịt chạy đồng là nguồn lây nhiễm virus cúm. |
Ở phía nam, 2 tỉnh phát dịch nặng nhất là Long An, Bạc Liêu. Liên tục từ ngày 17 đến 24/1, Long An có tới 100 điểm phát dịch thuộc 12 trên 14 huyện, thị. Số gia cầm tiêu hủy là 40.280 gà, 31.900 vịt, 46.600 cút. Tại Bạc Liêu, cũng trong khoảng thời gian trên có 56 điểm phát dịch ở 6 huyện với số gia cầm tiêu hủy là 50.490 vịt.
Ngày 19/1, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng đã có công điện khẩn yêu cầu tất cả đoàn tàu khách không được vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; nghiêm cấm tiêu thụ, vận chuyển gia cầm bị bệnh, không có nguồn gốc rõ ràng. Việc vận chuyển gia cầm trên tàu hàng phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và giấy chứng nhận vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển do cơ quan thú y cấp. Tổng công ty cũng nghiêm cấm các Xí nghiệp vận dụng toa xe khách (nơi chế biến bữa ăn trưa và tối trên tàu cho hành khách) sử dụng gia cầm và các sản phẩm của chúng làm thức ăn phục vụ trên tàu, trừ đồ đã được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và đóng hộp ghi ngày sử đụng đến 19/1. |
Nỗi lo lớn nhất hiện nay của các tỉnh phía nam là vịt chạy đồng. Chi cục trưởng Thú y tỉnh Long An Nguyễn Duy Long cho biết: "Mặc dù tỉnh đã yêu cầu bà con nuôi nhốt vịt từ nay đến Tết, nhưng những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có ý thức chấp hành rất kém. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch lan nhanh".
Chi cục trưởng Thú y tỉnh Tây Ninh, ông Dương Văn Hội, lại có thêm nỗi lo giá gia cầm sụt giảm, không tiêu thụ được, bà con sẽ chán nản và buông xuôi. Thời gian qua, một số hộ dân trong tỉnh đã bắt được đàn vịt 709 con vô chủ.
Một số tỉnh như Bến Tre đang quyết liệt siết chặt kiểm dịch. Ông Mai Văn Hiệp, Chi cục trưởng Thú y tỉnh, đưa ra kinh nghiệm: "Chúng tôi yêu cầu tất cả chủ hộ từ nay đến 31/1 phải đăng ký số gia cầm nuôi. Hộ nuôi vịt phải làm cam kết không được lùa đi nơi khác. Sau thời hạn này, nếu không đăng ký, hoặc đăng ký mà vi phạm thì gia cầm chết sẽ không được nhận tiền hỗ trợ tiêu hủy".
Tại phía bắc, Hải Dương tuy mới có dịch, nhưng tình hình khá nghiêm trọng. Trong thời gian từ 17 đến 24/1, toàn tỉnh có 12 điểm phát dịch ở 11 xã thuộc 5 trên tổng số 12 huyện thị. Ngoài ra, trong các ngày 19-22/1, thành phố Hải Phòng có hơn 30 con gà và 170 con ngan chết rải rác. Tuy nhiên, lực lượng thú y địa phương chưa khẳng định gia cầm chết do cúm.
Ngày 25/1, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm đã đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ 1 đến 24/1, cả nước có 454 điểm phát dịch ở 263 xã, 98 huyện của 25 tỉnh, thành phố là: Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau, Hà Nam, thành phố Hà Nội, Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, TP HCM, Quảng Nam, Bình Dương, Kiên Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Thái Nguyên. Số gia cầm chết, tiêu hủy là: 186.500 gà; 191.740 vịt, ngan và 235.040 cút. |
Như Trang