Trong buổi họp tổng kết hoạt động sáng 23/1, ông Lê Hoàng - Giám đốc công ty Đường sách TP HCM - cho biết năm 2023, tổng doanh thu các gian hàng đạt 59,32 tỷ đồng. Trong năm, đường sách tổ chức 275 sự kiện - gồm các hội sách, chương trình giao lưu, tăng so với năm 2022 là 225 sự kiện.
Lượng khách đến với Đường sách TPHCM trong năm 2023 ước tính tăng 10%. Khách bắt đầu đông dần từ cuối quý ba đến hết năm, nhất là khách quốc tế. Theo đơn vị, sự gia tăng này một phần vì đường sách trở thành một trong 10 điểm mua sắm thú vị được giới chuyên môn và người tiêu dùng bình chọn, do Sở Du lịch TP HCM công bố cuối năm 2023.
Doanh thu mảng sách thiếu nhi giảm so với năm 2022, từ 10 tỷ đồng xuống còn gần tám tỷ đồng. Doanh số sách thể loại này tăng từ 150.000 cuốn lên 166.000 cuốn, một phần nhờ các đợt giảm giá. Sau tám năm, doanh thu đường sách gấp 2,3 lần so với năm đầu, tăng trưởng đều đặn qua các năm (không tính thời gian ảnh hưởng vì Covid-19).
Dù vậy, theo đại diện công ty, đường sách còn nhiều hạn chế. Nhiều sự kiện còn đơn điệu, chưa sáng tạo, chưa có các hoạt động vào ban đêm. Đơn vị không có nhiều sản phẩm, sân chơi văn hóa nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách quốc tế. Sách về văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam, cẩm nang du lịch ngoại văn, song ngữ, sản phẩm lưu niệm cũng chưa đặc sắc. "Khách quốc tế đến vì đường sách là điểm được đưa vào tuyến du lịch, chứ thực ra, sản phẩm, dịch vụ nơi đây chưa đáp ứng được yêu cầu của họ", ông Lê Hoàng nhận định.
Theo ban giám đốc, năm 2024, khi du lịch thành phố tiếp tục mở cửa, lượng khách quốc tế tăng, các gian hàng cần bổ sung thêm sản phẩm đa dạng hơn để du khách có nhiều trải nghiệm sâu hơn. Đơn vị cũng sẽ cùng các đối tác tổ chức đa dạng các buổi giao lưu tác giả, giới thiệu sách mới, phối hợp các Sở, ban ngành, lên ý tưởng cho các hoạt động về đêm.
Mai Nhật