Trong buổi tổng kết bốn năm hoạt động đường sách, ông Lê Hoàng - giám đốc - cho biết năm 2019, số ấn phẩm bán được là hơn 913 nghìn cuốn, tăng 138 nghìn cuốn so với năm 2018. Lượt người tham quan năm qua là 3,1 triệu người, tăng gấp đôi so với 2016 - năm địa điểm này đi vào hoạt động.
Theo ông Hoàng, độc giả đến đường sách chủ yếu mua sách thiếu nhi, tuổi mới lớn. Thể loại sách bán chạy hàng đầu là văn học trong nước, kỹ năng sống, kế tiếp là sách phục vụ quản trị kinh doanh.
Năm qua, đường sách diễn ra 252 sự kiện, trung bình khoảng 1,5 ngày có một hoạt động được tổ chức. Trong đó, có 19 đợt hoạt động chủ đề, 15 cuộc trưng bày triển lãm văn hoá nghệ thuật, tám đợt triển lãm sách, bìa sách; 152 sự kiện giới thiệu sách và giao lưu tác giả... Nhiều tuần lễ bảo vệ môi trường được khởi xướng, với tiêu chí bốn "không": không thuốc lá, túi nylon, ống hút nhựa và con đường không rác.
Sau bốn năm đi vào hoạt động, đường sách còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất. Nhiều hoạt động tại đây chưa được các đơn vị xuất bản đầu tư đúng tầm vóc. "Việc xe đậu bừa bãi ở đường Hai Bà Trưng cũng góp phần khiến đường sách bị mất mỹ quan. Tuy nhiên, khu vực này do đơn vị khác phụ trách nên chúng tôi hiện chưa thể can thiệp", ông Hoàng nói.
Tại một số thời điểm trong năm 2019, đường sách bị quá tải về số người tham quan. Sắp tới, khi đường sách ở quận 7 được khánh thành, đường sách Nguyễn Văn Bình dự kiến giảm tải về lượng độc giả.
Năm nay, ngoài việc tăng cường nguồn sách mới đa dạng, chất lượng, đơn vị quản lý cho biết sẽ cải tạo không gian, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, nhất là các hoạt động cổ vũ tinh thần ham đọc sách.
Tam Kỳ