Chỉ hai tháng sau, Tuấn, học sinh lớp 10 một trường cấp ba có tiếng ở Nam Định, tham gia vào vụ dọa chôn sống người để đòi nợ, quay video phát tán lên mạng. Hơn chục người đã bị điều tra về tội bắt giữ người trái pháp luật và các hành vi liên quan.
Tuấn cũng bị triệu tập điều tra, dù sau đó được xác định chỉ đi xem, cậu cũng không thể đi học nữa. Gia đình đưa Tuấn vào trường giáo dưỡng.
Sáng đầu năm 2022, công an xã đến một trường cấp hai ở Lạng Giang, Bắc Giang bởi một học sinh lớp 8B trình báo mất điện thoại hơn 3 triệu đồng. Thúy, lớp phó học tập, được gọi ra làm việc. Ban đầu Thúy chối, nhưng lần thứ hai cô bé nhận đã trộm điện thoại của bạn.
Khai thác thêm, công an phát hiện Thúy từng 5 lần lấy tiền của mẹ trong hai năm học lớp 7 và 8. Số tiền thường từ 50.000 đến 70.000 đồng, cao nhất 120.000 đồng. Vụ việc khiến bố mẹ Thúy sốc, họ chủ động làm đơn cho con vào trường giáo dưỡng.
Cùng đội với Thúy là Ngân Anh, 16 tuổi, quê Hòa Bình vào đây được 10 tháng vì buôn bán và sử dụng chất kích. Khuê, 16 tuổi, quê Thái Bình, cùng đội với Tuấn, bị đưa vào đây sau nhiều lần trộm cắp ở địa phương. Các em nằm trong khoảng 200 học sinh (tuổi từ 13 đến 18) của Trường giáo dưỡng số 2, Cục C10, Ninh Bình. Ngoài các tội gây rối trật tự, trộm cắp, buôn bán ma túy, trong trường còn nhiều em phạm các tội như hành hung, cướp giật, thậm chí giết người.
"Người trưởng thành phạm tội gì thì các em cũng phạm các tội ấy", trung tá Phạm Thị Mậu, Đội trưởng đội Giáo viên Văn hóa nói.
Thống kê của Bộ Công an, từ năm 2018 đến quý I/2021, cả nước ghi nhận hơn 10.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, 16.000 đối tượng có liên quan, 95% số này là nam, còn lại là nữ giới.
Theo trung tá Mậu, đa số trẻ vào trường có hoàn cảnh đặc biệt (hơn 70%) như bố mẹ trong trại giam; ly hôn; bố/ mẹ hoặc cả bố lẫn mẹ mất; sống với ông bà. Đây là những lý do chính tác động tới quá trình phạm tội của trẻ vị thành niên.
Chuyên gia giáo dục kỹ năng Trần Thị Lệ Thủy, Trung tâm phát triển kỹ năng thanh thiếu nhi, báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng, chia sẻ thêm rằng trẻ vị thành niên là độ tuổi phát triển nhanh về thể chất nhưng thiếu hụt các kỹ năng sống; tâm sinh lý có những bất ổn, nổi loạn, muốn thể hiện cái tôi nên dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí và có thể dẫn đến phạm tội.
Bên cạnh đó, xã hội thiếu sân chơi lành mạnh, trường học đặt nặng kiến thức; thiếu sự quan tâm, dạy dỗ các em kỹ năng sống, đạo đức, đặc biệt chưa đẩy mạnh tuyên truyền về hiểu biết về pháp luật cho các em. Trong khi đó trẻ em ngày nay chịu rất nhiều tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, một bộ phận không nhỏ trẻ sống hưởng thụ. Mạng xã hội tác động, nhất là các tựa game bạo lực, làm lệch lạc suy nghĩ, nhận thức, làm tăng nguy cơ các em trở thành tội phạm vị thành niên.
Nhìn lại quá trình trượt dài của con trai, anh Tiến thừa nhận trách nhiệm lớn do mình. Anh là chủ thầu bận rộn, vợ bán hàng ở siêu thị cũng đi sớm, về khuya, ít có thời gian quan tâm con. Tuấn là con trai cả, ngoan từ nhỏ, suốt 9 năm luôn được học sinh giỏi và còn là cầu thủ của đội bóng tỉnh. Vì con luôn tốt nên ông bà, bố mẹ đều yêu thương, bao bọc. "Vợ chồng tôi nghĩ đời mình khổ rồi, nay có hai đứa con, chúng thích gì sẽ không để thiếu cái đó", anh Tiến, 42 tuổi nói.
Nhưng từ kỳ hai lớp 9, Tuấn học hành chểnh mảng, thi thoảng bỏ học đi chơi với một số bạn có tiếng xấu trên địa bàn. Khuyên can con không có hiệu quả, vợ chồng anh Tiến đi đến quyết định, một trong hai phải nghỉ việc để kèm con.
Ngay sau đó, chị Hoài dẹp cửa hàng để ở nhà quản con. Sau một thời gian được mẹ kèm cặp đưa đi học, đón về, Tuấn đỗ vào trường tốt ở thành phố. Ba tháng hè năm đó, gia đình đưa Tuấn về quê cách hơn 60 km sống với ông bà để tách khỏi bạn xấu. "Nhiều đêm tôi ngồi nói chuyện với con như hai người bạn để hiểu con và mong con hiểu lòng cha mẹ", anh Tiến cho hay.
Nhưng anh phải thừa nhận con nghe bạn hơn bố mẹ. Người cha cảm tưởng "rơi xuống vực" khi gần Tết năm 2022, con trai trở về với hình xăm kín hai bắp chân và cổ. Cơn giận lấn át lý trí, anh cầm roi vụt con tới tấp. "Tôi cảm giác bị phản bội và mất con thật rồi", anh vò đầu thú nhận thật khó để làm khác khi đó.
Về sau bình tĩnh lại người cha cũng phần nào hiểu được chuyện. Tính Tuấn vốn cả nể, hết lòng vì bạn, nên khi bạn nhờ làm mẫu để thực hành xăm liền nhận lời. Trận đánh mắng khiến Tuấn bỏ đi một tuần. Cả nhà náo loạn đi tìm. Khi trở về, mọi người trong nhà đều làm tư tưởng để cậu hiểu chuyện và chuyên tâm học hành. Nhưng mới ngoan chưa được bao lâu, cậu thiếu niên vướng vào vụ chôn sống người.
Cô bé Thúy, ở Sơn La, cho biết cũng được bố mẹ yêu thương. Sau giờ học Thúy phụ giúp bố mẹ nhiều việc nhà, nuôi lợn, chăn bò, nhiều năm liền có học lực hàng đầu lớp.
Hàng ngày Thúy được bố mẹ cho 10.000 đồng ăn sáng. Khi muốn có điện thoại, bố mẹ cũng cố gắng mua cho em một chiếc hơn một triệu đồng. Tuy nhiên trong lớp nhiều bạn có kinh tế khá giả, có tiền mua quà vặt, những quyển sổ, chiếc bút xinh, khoe phấn son, giầy mới. Những thứ đó gợi lên khát khao của Thúy.
Em biết xin tiền mua những thứ vô lý mẹ sẽ không cho, nên thi thoảng lấy của mẹ vài chục. "Em chỉ mua quà vặt để ăn cùng các bạn", cô bé nói.
Đến lần lấy điện thoại của lớp trưởng, Thúy không có ý định trước. "Ra chơi tiết một em thấy bạn ấy dùng điện thoại. Đến giờ ra chơi tiết hai, em lấy chiếc điện thoại đó", cô bé kể. Điện thoại của Thúy đã bị cô giáo tịch thu trước đó vài hôm.
Hai năm nay, trong một con ngõ ở thành phố Thái Bình, cậu thiếu niên tên Khuê khiến nhiều người phải đề cao cảnh giác. Khuê từng gây ra nhiều vụ trộm cắp lớn nhỏ ở địa phương và bị bắt sau hai lần trộm xe máy.
Sinh ra trong gia đình không hạnh phúc, từ nhỏ nhiều lần Khuê chứng kiến bố mẹ đánh chửi nhau. Năm cậu học lớp 8, bố đi trại cai nghiện, mẹ đi xuất khẩu lao động, ba anh em Khuê sống cùng bà ngoại. "Bà lo cho em ăn uống hàng ngày, chứ không quản giống như ngày có mẹ ở nhà", Khuê kể.
Cũng từ lúc đó, Khuê trộm cắp, chơi game, giao du với nhóm bạn xấu. Bị bạn bè trêu "con thằng nghiện", Khuê bỏ học luôn. Sau đó mẹ cho tiền đi học nghề cắt tóc, cậu học được một thời gian rồi cũng lấy tiền đó đi ăn chơi.
Theo trung tá Mậu, ngôi trường giáo dưỡng có học sinh đặc biệt và giáo viên cũng phải đặc biệt. Ban đầu vào, hầu như em nào cũng có tâm lý trốn trường, chống dối và thói vô tổ chức đã quen tự do trước đây. Các giáo viên phải tìm phương pháp hợp với từng em, vừa làm cha mẹ, bạn bè, thầy cô và đôi khi với các tổn thương các em trải qua, sẽ phải đóng vai nhà tâm lý chữa lành.
Cả trung tá Mậu và chuyên gia giáo dục Lệ Thủy đều nhấn mạnh những học sinh của trường giáo dưỡng là trẻ em yếu thế, vì vậy cần sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của toàn xã hội.
"Khi vào đây có thể chúng tôi đã trang bị cho các em đầy đủ kiến thức, kỹ năng; ở trường các em tu dưỡng, rèn luyện tiến bộ nhưng khi trở về xã hội, một mình bươn trải, sẽ khó làm được những điều như đã được trang bị. Chúng tôi mong muốn xã hội quan tâm và có cái nhìn thiện cảm, để con đường hoàn lương của các em trở về rộng mở", trung tá Mậu nói.
Sau gần một năm vào trường, Thúy lao động chăm chỉ và vẫn giữ phong độ học tập tốt như bên ngoài. Nghĩ về hành vi phạm tội của mình, em nức nở: "Nếu ngày đó có hiểu biết em tuyệt đối không làm như vậy". Cậu thiếu niên tên Khuê cũng nhận ra: "Ăn trộm là xấu, làm con người mình cũng xấu theo".
Còn Tuấn, suy nghĩ thường trực trong hơn 10 tháng vào trường là mong có phép màu trở lại thời gian. "Em sẽ không làm bố mẹ phải buồn vì mình nữa".
Chỉ còn hơn một tháng nữa Tuấn trở về. Anh Tiến, chị Hoài đã chuẩn bị tươm tất mọi thứ như đón con chào đời lần hai. Nhưng giữa nhiều phương án bố mẹ đưa ra, trước sau chàng trai 18 tuổi đều chọn đi học trở lại, dù biết con đường này khó khăn hơn mọi con đường.
* Một số nhân vật đã được đổi tên.
Vừa qua, tọa đàm "Yêu thương hôm nay xây đắp ngày mai" trong khuôn khổ chương trình "Việt Nam ước mong" đã được tổ chức tại Trường Giáo dưỡng số 2, Cục C10, Ninh Bình. Hoạt động nhằm tạo không gian chia sẻ ước mơ, những câu chuyện nhân văn về cuộc đời, tình cảm gia đình cùng mong ước về tương lai tốt đẹp của các thiếu niên lầm lỡ.
Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình chung tay hỗ trợ các em, thông tin chi tiết xem tại đây.
Phan Dương