- Cảm xúc của anh ra sao khi có tác phẩm tham dự triển lãm ảnh nude đầu tiên tại Hà Nội?
- Tôi thấy vui bởi sự kiện lần đầu được tổ chức cởi mở và khán giả đến xem rất đông. Chưa bao giờ tôi thấy khán giả trực tiếp xem tranh của mình. Triển lãm mang lại sự tươi mới và là dịp để người làm nghề không còn âm thầm sáng tạo hoặc ngại ngùng bởi hai từ "nhạy cảm" mà xưa nay công chúng áp đặt lên thể loại ảnh khỏa thân. Tôi ấn tượng khi thấy cụ ông dẫn cụ bà vào xem. Cụ bà ngỡ ngàng và tiếc rằng bản thân không còn trẻ để ghi lại vẻ đẹp cơ thể qua ống kính.
Thêm vào đó, triển lãm không giới hạn độ tuổi, mang đến cơ hội cho giới trẻ so sánh giữa tác phẩm nude nghệ thuật với ảnh khỏa thân dung tục. Tôi tiếc rằng tác phẩm được ban tổ chức chọn lọc, trưng bày không phải là những ảnh tôi thích nhất. Các tác phẩm khá cũ, đã được tôi chia sẻ rộng rãi nhiều năm trước.
- Một luồng ý kiến cho rằng sự kiện lần này mang tính chất thăm dò nên không trưng bày những tác phẩm mới và táo bạo hơn. Anh nghĩ như thế nào?
- Với một đề tài bị kiểm soát quá lâu, lại còn bị gắn mác nhạy cảm thì sự cẩn trọng của ban tổ chức là điều tất yếu. Họ phải chọn sự an toàn khi một lượng công chúng vẫn chưa hiểu đúng bản chất của loại hình nghệ thuật này. Khán giả sẽ khó tiếp nhận tác phẩm hoặc chấp nhận thay đổi suy nghĩ.
- Gia đình phản ứng ra sao khi anh gửi tác phẩm nude nghệ thuật của vợ đến triển lãm?
- Đó là bức ảnh tôi chụp vợ khi cô ấy 37 tuổi. Tác phẩm nude art này được giải thưởng quốc tế Giuliano Carrara lần thứ bảy tại Italy năm 2008. Có người bạn đến xem ảnh không nhận ra vợ tôi trong đó. Anh ta hỏi tên và muốn gặp. Sau khi biết sự thật, anh bạn ngạc nhiên và hỏi tôi sao dám chụp và trưng cho mọi người xem. Tôi bảo vợ có xấu đâu mà phải giấu. Tôi biết có những người vợ không bao giờ chấp nhận và càng không cho chồng chụp nude phụ nữ khác. Vợ tôi thấy bình thường và đồng cảm với tôi trong công việc. Khi người thân còn không cho chụp thì còn mẫu nào tìm đến mình. Ngoài vợ, cháu và em gái đều là người mẫu đầu của tôi.
- Tiêu chí chọn mẫu nude của anh ra sao?
- Tôi là người khó tính trong việc chọn mẫu. Công việc này không đơn thuần là bỏ tiền ra thuê một cô gái đầy đủ bộ phận. Tôi thích chụp toàn thân nên trước hết, mẫu nude phải có gương mặt khả ái. Sau đó, họ phải có văn hóa nền, am hiểu về loại hình nghệ thuật này. Tôi kiên nhẫn giải thích cho mẫu nude công việc và mục đích của nó, sau đó mới bấm máy. Năm vừa rồi, nhiều người tình nguyện làm mẫu cho tôi. Thế nhưng, tôi chỉ chọn được một người. Tôi có quan điểm không chỉ lưu giữ đường nét cơ thể mà còn là cảm xúc nhân vật. Tôi phải cảm được cảm xúc của cô ấy. Tôi tránh chụp hình hot girl bởi nhỡ sau này họ có scandal thì tấm hình không còn tinh khiết.
Khi làm bất kỳ việc gì, tôi đều tôn trọng đối tượng của mình. Chúng tôi lập hợp đồng làm việc và ghi rõ mục đích. Kết quả chia đôi, đó là đồng tác giả và quyền sở hữu tác phẩm. Khi có sự quy ước và tôn trọng ngay từ đầu thì công việc chụp mẫu khỏa thân đưa đến an toàn tuyệt đối, tránh thị phi.
- Trong quá trình làm nghề, anh từng gặp sự cố nào liên quan đến mẫu nude?
- Có những biến cố là do tác động khách quan của người mẫu. Nhiều năm trước, cô mẫu sắp lấy chồng nên bảo tôi hạ hình xuống. Gia đình không chấp nhận hình ảnh cơ thể cô ấy được trưng bày rộng rãi. Tôi tôn trọng và không thấy phiền khi gỡ bức ảnh.
- Anh nhận định ra sao về sự phát triển ảnh nude nghệ thuật hiện nay ở Việt Nam?
- Tôi thấy một thể loại có phát triển hay không luôn phụ thuộc vào tính lan tỏa cộng đồng. Ở Việt Nam, cách thưởng lãm mỹ thuật của khán giả chưa cao. Giữa người sáng tác và tiếp nhận có ít sự tương tác trực tiếp hoặc công chúng thiếu trải nghiệm để phân biệt tác phẩm nude chân chính với ảnh phi nghệ thuật, phản cảm. Thêm vào đó, các tác phẩm thường xuyên bị sao chép, chụp trộm bằng nhiều hình thức để phục vụ mục đích kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Đó là sự thiếu tôn trọng và khiến nhiều nghệ sĩ không thể sống được với nghề.
- Theo anh, điều khó nhất để tạo ra tác phẩm nude nghệ thuật là gì?
- Một bức ảnh nude khó thực hiện hơn những loại ảnh khác. Thứ nhất, nghệ sĩ phải có tay nghề, chuyên môn đủ dày. Trình độ học thuật sẽ được biểu hiện qua cách tạo hình của bức ảnh. Thứ hai, trong tác phẩm, yếu tố về màu sắc, ánh sáng cũng rất quan trọng. Ví dụ, đối với ảnh đen trắng, nhiếp ảnh gia sử dụng màu đơn sắc phải thể hiện được sự tinh tế ở vùng chuyển sắc giữa sáng và tối. Điều thứ ba, tác phẩm nude phải mang lại cảm xúc, thông điệp cho người xem chứ không đơn thuần là ảnh kỷ niệm ghi lại khoảnh khắc của một cơ thể không mặc đồ.
- Dự định tiếp theo của anh là gì?
- Thời gian gần đây, tôi gặp khó khăn về kinh tế vì tác phẩm của mình bán chậm. Tôi vẫn sáng tác để liên tục tạo ra giá trị tinh thần cho công chúng. Ngoài ra, tôi bắt đầu mở lớp dạy kỹ năng về nghề nhiếp ảnh. Tôi luôn ấp ủ mở trường dạy chụp nude nghệ thuật chuyên nghiệp với phương thức đào tạo bài bản, đúng quy trình.
* Khán giả dự khai mạc triển lãm ảnh nude đầu tiên ở Hà Nội
Chiều 20/7, triển lãm ảnh nude đầu tiên ở Hà Nội khai mạc, giới thiệu sáng tác của mười tác giả, kéo dài đến ngày 27/7 tại Hà Nội. Các tác giả tham gia gồm: Thái Phiên, Dương Quốc Định, Dũng Art, Đào Đức Hiếu, Phó Bá Cường, Nguyễn Á, Ngô Xuân Phú, Đỗ Thùy Mai, Lê Quang Châu, Trần Nhân Quyền. Hồi tháng 9/2017, nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên trưng bày hơn 50 tác phẩm khỏa thân trong triển lãm Tạo tác tại TP HCM - triển lãm nude đầu tiên của Việt Nam. Tháng 6 năm nay, Thái Phiên cũng tổ chức triển lãm Miền cổ tích, trưng bày 26 tác phẩm khỏa thân tại trụ sở Hội Nhiếp ảnh TP HCM. |
Trọng Trường thực hiện