Những năm qua, các kỹ sư xây dựng dân dụng ở Mỹ và nhiều nơi khác đã mở rộng các làn đường với sự mặc định, rằng nếu có thêm không gian cho các phương tiện giao thông, các thành phố sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Đại học Johns Hopkins cho rằng không gian lưu thông hẹp hơn có thể tốt hơn.
Kết quả nghiên cứu được công bố vào cuối năm 2023, cho thấy ở những con phố với tốc độ giới hạn 32-40 km/h, tỷ lệ va chạm giao thông không khác nhiều giữa những nơi có chiều rộng khác nhau trong khoảng 2,7-3,7 m. Nhưng sự khác biệt trở nên đáng kể khi tốc độ tăng lên.
Ở tốc độ giới hạn 48-56 km/h, những con phố rộng hơn có thể trở nên nguy hiểm hơn. Đường phố có chiều rộng 3,7 m có tỷ lệ tai nạn cao hơn 1,5 lần so với đường phố chỉ rộng 2,7 m, theo nghiên cứu.
Nghiên cứu xem xét tình hình thực tế tại 7.670 đoạn phố tại 7 thành phố Mỹ có mật độ giao thông hàng ngày tương đương, và so sánh các đặc điểm thiết kế (số làn đường, dải phân cách, điểm đỗ xe dọc đường). Sau đó những người thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên 1.117 đoạn phố để phân tích. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét mối quan hệ giữa chiều rộng của làn đường và số vụ va chạm xảy ra ở mỗi đoạn đường trong thời gian 2017-2019.
Theo nhóm nghiên cứu, khi các con phố trở nên rộng hơn sẽ khiến các tài xế lầm tưởng về sự an toàn và khiến họ lái xe nhanh hơn.
Ngoài việc giúp giao thông an toàn hơn, còn có những lợi ích khác của những con phố hẹp hơn. Đường phố hẹp hơn cũng có nghĩa ít phải sử dụng nhựa đường hơn - tốt cho môi trường. Mặt đường hẹp hơn cũng có nghĩa tạo thêm được các làn đường cho xe đạp, vỉa hè, và hạ tầng giao thông thân thiện với người đi bộ.
Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một số gợi ý cho các kỹ sư và các thành phố, rằng những đường phố không phải đặc biệt ưu tiên cho người đi bộ, đi xe đạp và các phương tiện công cộng thì có thể giảm chiều rộng, với mức tối đa 3 m, ở những khu vực nội đô có thiết lập tốc độ giới hạn thấp.
Mỹ Anh (theo Public News Service)