Đại tá Phan Tử Quang (nguyên cục trưởng Cục Xăng dầu đầu tiên của quân đội, người nhận trách nhiệm xây dựng tuyến đường ống) kể, trong lúc ở Trường Sơn, đường ống đã vượt nam đường 9, thì ở miền Bắc chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện nhận định: Nếu đối phương đánh trở lại miền Bắc, ta không thể dùng phương tiện vận tải theo đường bộ, đường sắt hay đường biển để đưa xăng dầu vào Bến Thủy, cảng Gianh cung cấp cho đường ống được. Cần khẩn trương xây dựng tuyến đường ống Hà Nội - Vinh nối liền tuyến ống của tiền tuyến, tạo thế vận chuyển liên hoàn.
Ý kiến này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủng hộ và Phó thủ tướng Đỗ Mười thay mặt Chính phủ nhất trí tạo mọi điều kiện để Cục Xăng dầu thi công đường ống hàn dài 338 km. Sau 13 tháng, đến 13h ngày 13/12/1971, mối hàn cuối cùng của tuyến đường ống Hà Nội - Vinh hoàn tất, vượt thời hạn Chính phủ quy định.
Tháng 4/1972, Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá trở lại miền Bắc. Các cảng biển, cửa sông bị thủy lôi phong tỏa nhằm bịt chặt vận chuyển đường biển quốc tế vào miền Bắc. Việc tiếp nhận xăng dầu của Liên Xô từ đường biển hoàn toàn bế tắc, nguy cơ thiếu xăng dầu cho chiến trường miền Nam hiện rõ. Chính phủ triệu tập phiên họp bất thường bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về xăng dầu. Theo đề xuất của Cục Xăng dầu, phương thức tiếp nhận xăng dầu bằng đường biển sẽ chuyển sang đường bộ, đề nghị Chính phủ Trung Quốc giúp đỡ nhận xăng của Liên Xô qua biên giới Việt - Trung.
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (áo màu sáng ở giữa) kiểm tra tuyến đường ống năm 1968. Ảnh tư liệu. |
Trong vòng 15 ngày (đến 16/6/1972), các lực lượng với sự hỗ trợ của máy bay trực thăng chở ống đã hoàn thành đường ống từ biên giới về Đồng Đăng (Lạng Sơn) cùng hai kho đã hoàn thành tiếp nhận xăng từ Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) bơm qua để dẫn về Hà Nội. Để mở rộng cho việc nhận xăng từ Trung Quốc, tuyến đường ống từ Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) qua Hải Dương nối về Hà Nội cũng hoàn thành. Cuối năm 1972, tuyến đường ống xăng dầu chiến lược đã thành một hệ thống từ biên giới Việt - Trung vào đến Cam Lộ (Quảng Trị) và sang nam đường 9 (tây Trường Sơn) có tổng chiều dài 3.278 km với hơn 81.000 tấn nhiên liệu dự trữ.
"Khi đường ống dẫn xăng dầu vào tới Lộc Ninh, Bộ Chính trị, Chính phủ… mới cầm chắc phần thắng. Và chỉ có đường ống mới phục vụ kịp xăng dầu cho hành quân thần tốc trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975", Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhận xét. |
Ngày 15/2/1973, Thường vụ Quân ủy trung ương họp nhấn mạnh: phải xây dựng được hệ thống đường phía đông Trường Sơn. Đảng ủy 559 cũng đề ra nhiệm vụ kéo dài tuyến ống cho đến hết Tây nguyên và các đường ngang ra một số chiến trường, tiến tới xây dựng tuyến phía đông song song với tuyến phía tây. Trong ba năm, phải đưa đường ống vào tới hậu cứ chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.
“Tháng 4/1973, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện có lệnh gọi tôi về Hà Nội giao nhiệm vụ vào khảo sát xây dựng kho xăng dầu lớn cho chiến trường B2 ở Lộc Ninh dù đường ống mới làm tới Tây nguyên”, đại tá Mai Trọng Phước (chủ nhiệm khoa xăng xe vận tải của Trường Sĩ quan hậu cần, sau này là cục trưởng Cục Xăng dầu) nhớ lại. Đến ngày 20/11/1974, hai tuyến đường ống Đông và Tây Trường Sơn đã hội tụ về ngã ba biên giới (Plây Khốc, Kon Tum) để tiếp tục kéo dài về Bù Gia Mập (2/1975). Từ đây xăng được tiểu đoàn xe xitec 103 chở về đổ vào cụm kho Lộc Ninh chuẩn bị cho các chiến dịch lớn. Thời gian này, các kho của Quân đoàn 2, Quân khu 5, Quân khu Trị Thiên... cũng được nối thông với đường ống.
Nguồn xăng dầu chính phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn là nguồn xăng dầu từ đường ống bơm 24/24 giờ từ Hà Nội vào. Bên cạnh đó còn có nguồn từ miền Bắc chở vào theo đường biển, đường bộ, xăng dầu thu được của địch được bố trí theo các kho ở các tỉnh duyên hải cùng một số tuyến đường ống dẫn từ Trường Sơn xuống cấp cho Quân đoàn 2, Quân khu 5. Quân đoàn 4 được đảm bảo xăng dầu từ các kho Bù Gia Mập, Lộc Ninh (tích trữ từ năm 1974). Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 hành quân từ Tây nguyên về vị trí tập kết ở Đồng Xoài, Chơn Thành đều được nguồn xăng từ đường ống cung cấp.
Đại tá Lục Văn Châu, nguyên trưởng phòng xăng dầu 559, đánh giá: “Thực tế từ khi có đường ống xăng dầu, các chiến dịch của ta luôn giành được thắng lợi, nhưng trong chiến dịch Hồ Chí Minh chúng tôi mới thấm thía hơn chủ trương xăng dầu phải đi trước một bước để đảm bảo cho thắng lợi là thế nào”.
Sum họp nghĩa tình
Chiến tranh lùi xa, những người lính xăng dầu trở về với cuộc sống đời thường. Nhiều người làm nên kỳ tích vẫn đang chịu đựng nỗi đau, mất mát do di chứng của chất độc da cam, nhiễm độc chì từ xăng. Để xoa dịu nỗi đau của đồng đội, ban liên lạc truyền thống ngành xăng dầu quân đội đã cùng chung tay chia sẻ với đồng đội của mình.
“Năm 1996, qua báo chí chúng tôi phát hiện gia đình chị Nguyễn Thị Bích Liên, chiến sĩ đường ống binh trạm 169 (ở Sơn Thủy, Hương Sơn, Hà Tĩnh) có ba con gái bị mù bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Chồng chị là anh Đoàn Quang Soàn, thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, hai vợ chồng ra quân mất hết giấy tờ. Ban đã liên hệ với các cơ quan và địa phương hỗ trợ gia đình làm chế độ, quyên góp giúp đỡ, sau đó liên hệ để các cháu được chữa sáng mắt. Từ đó, ban liên lạc luôn thông qua các chi hội, báo đài tìm kiếm, phát hiện đồng đội bị nhiễm chất độc để giúp đỡ, làm chế độ chính sách cho họ”, đại tá Mai Trọng Phước kể.
Ban liên lạc cũng tìm kiếm và giúp đỡ làm chế độ thương bệnh binh cho vợ chồng anh Dương Ngọc Hồi, chị Phùng Thị Hoa (ở Hiệp Hòa, Bắc Giang), nguyên là chiến sĩ của trung đoàn đường ống 592, có hai con và một cháu ngoại dị tật bẩm sinh do bố mẹ bị nhiễm chất độc da cam. Chị Nguyễn Thị Hẹ (Thuận Thành, Bắc Ninh) có hai con bị nhiễm chất độc da cam, hoàn cảnh khó khăn phải ở nhờ trạm bơm thủy lợi của xã 20 năm cũng được ban liên lạc hỗ trợ, liên hệ các ban ngành xây dựng nhà tình nghĩa. Các thành viên của ban liên lạc cũng tìm lại được thương binh Nguyễn Lương Định (người vác ống phá bom từ trường) sau 20 năm mất liên lạc, đề nghị xét tặng Huân chương Chiến công hạng 2 cho người lính dũng cảm này.
Đại tá Lưu Vĩnh Cường (trưởng Ban liên lạc) nói rằng, phần lớn bộ đội đường ống đều ở những vị trí rừng rậm, những vùng bị rải chất độc da cam, thường xuyên tiếp xúc với xăng chì, cọ rửa phuy bể nên tỷ lệ nhiễm độc rất nhiều. Hiện nay ngoài việc thăm hỏi, động viên gia đình đồng đội lúc khó khăn, ban liên lạc vẫn tiếp tục tìm kiếm, liên hệ với chính quyền, các ban ngành để làm chế độ cho những đồng đội và con cái bị nhiễm chất độc da cam.
Đến nay đã có 60 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam được ghi nhận, chứng nhận làm chế độ thương bệnh binh. Riêng đại tá Mai Trọng Phước sau những lần thăm đồng đội đã về sưu tầm những bài thuốc chữa bệnh dễ kiếm, rẻ tiền trên sách báo in thành sách phát tặng mọi người. Ông nói: “Thấy nhiều anh em sức khỏe yếu nên mình làm thế này để giúp họ. Mình có điều kiện giúp đỡ được anh em thì cố giúp từ những cái nhỏ nhất”.
(Theo Tuổi Trẻ)