Sạt lở nặng nhất là tuyến Yếu Kiêu - Bãi Bắc, đoạn cách khu du lịch Intercontinental 300 m về hướng đỉnh Bàn Cờ. Đất đá sạt trượt và bị cuốn trôi, trong khi 15 m đường bêtông bị lũ chặt đứt trước đây chưa được khắc phục. Khu du lịch đã xếp hàng trăm bao cát để gia cố điểm này.
Tuyến Tiên Sa có hai điểm sạt lở; hai cây lớn đổ chắn ngang đường. Tuyến Bãi Bắc - Cây Đa có 5 điểm sạt chưa xử lý; tuyến Hồ Xanh - Bãi Bắc có 3 điểm đã được chăng dây và đặt bảng cảnh báo.
Tất cả điểm sạt lở xuất hiện sau các đợt mưa lớn từ ngày 13/10 đến nay và hầu hết khởi phát từ điểm sạt một năm trước. Hiện điểm trượt đá trên đường Hoàng Sa, đoạn đi qua chùa Linh Ứng lên khu du lịch Intercontinental, đã được thu dọn để phương tiện lưu thông.
Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết đã tạm dừng tham quan các tuyến Yết Kiêu - Bãi Bắc, Bãi Bắc - Cây Đa, Tiên Sa - Suối Ôm - Đỉnh Bàn Cờ. Đầu các tuyến này có biển cấm, đóng barie và cắt cử nhân viên bảo vệ chốt trực.
Ngành du lịch kiến nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng huy động lực lượng, phương tiện sớm khắc phục vị trí sạt lở, hư hỏng hạ tầng trên tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà để tiếp tục mở cửa cho khách tham quan.
Trước đó đầu tháng 10, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đầu tư xây dựng kè chống sạt lở. Trong đó, dự án gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và công trình kiên cố hóa đường Hoàng Sa (đoạn nằm trên bán đảo Sơn Trà) có mức đầu tư 104 tỷ đồng, thực hiện đến năm 2025.
Bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc. Bán đảo rộng hơn 4.400 ha, chu vi khoảng 60 km với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị. Sau trận mưa kỷ lục đêm 14/10/2022, bán đảo có 41 điểm sạt lở ở bốn tuyến đường tham quan.