Một tháng nay, Nguyễn Anh Võ làm việc 16 tiếng mỗi ngày. Trại nấm của anh vừa ký hợp đồng với một hệ thống siêu thị Hàn Quốc tại TP HCM, lượng đặt hàng tăng thêm 3 tấn so với trước. Anh phải ngừng đơn hàng của các chợ truyền thống, đồng thời mở rộng sản xuất. Nhân công chưa kịp tuyển, Võ và 3 cộng sự đầu tắt mặt tối từ sáng tới nửa đêm.
"Gần hai năm bỏ công, giờ đến ngày hái quả. Mệt nhưng mà ai cũng hào hứng", Nguyễn Anh Võ, 29 tuổi, chủ hai trại nấm 5.000 m2, mỗi tháng cung cấp ra thị trường 15 tấn nấm, chia sẻ.
Sinh ra ở vùng quê nghèo Quảng Ngãi, năm 11 tuổi Anh Võ cùng chị gái theo cha mẹ vào Sài Gòn mưu sinh. Hồi ấy chưa có điện thoại, đầu giờ chiều mỗi ngày mẹ sẽ dặn Võ buổi tối đón ở đâu, trước khi quẩy gánh bánh đa đi bán dạo. Bữa may mắn gặp được mẹ liền, không thì phải đi lòng vòng cả tiếng. Có đêm cả nhà đang ngủ thì mưa giông ập đến, tốc hết mái tôn phòng trọ. Cậu bé Võ chỉ lo ôm mấy cuốn vở núp nhờ chủ nhà...
Lớn lên cùng cái nghèo nên ước mơ làm giàu đã sớm hình thành trong Nguyễn Anh Võ. Anh thi vào Đại học Kinh tế TP HCM với mộng tưởng giảng đường sẽ đào tạo mình trở thành doanh nhân. Nhưng học đến giữa năm 2 thì cậu vỡ mộng, bỏ học. "Trường dạy nhiều lý thuyết khiến tôi không thấy học hỏi được gì. Cũng có thể, máu kinh doanh trong tôi quá lớn nên không thể dành 4 năm mài đũng quần trên giảng đường", Võ nói.
Thực tế, ngay từ khi còn là sinh viên, anh đã làm đủ thứ nghề. Trước khi nghỉ học năm 20 tuổi, chàng trai đã cùng bạn hùn vốn lập một công ty bán giày. Bỏ học để theo đuổi việc kinh doanh, lại đúng thời điểm tiếp cận được quảng cáo Facebook nên công ty của Võ lên như diều gặp gió và trở thành thương hiệu giày đình đám thời bấy giờ.
Năm 23 tuổi, Nguyễn Anh Võ đã có công ty riêng với 40 nhân viên, doanh thu mỗi tháng tầm 2 tỷ, lợi nhuận 10-12%. "Hồi đó mình đã nghĩ nếu cứ tiếp tục như vậy mình có thể nghỉ hưu trước tuổi 30", anh chia sẻ.
Khi "đang phất", một quỹ đầu tư rót vốn vào công ty giày của Võ. Chỉ trong một thời gian ngắn, 9 shop giầy được mở thêm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Nhưng vì mở rộng quá nhanh, quản lý không tốt, kiến thức không đủ... đã kéo công ty của anh sập nhanh như con diều đứt dây. "Thành công đến sớm trong khi nội lực bản thân chưa đủ là tiền đề cho thất bại", Võ hình dung về mình ngày đó chẳng khác gì "thùng rỗng kêu to".
Tháng 4/2017, Võ rút khỏi công ty do chính mình lập ra. Từ đó chàng trai trẻ làm nhiều công việc từ bán quần áo, bán mỹ phẩm, mở công ty sinh trắc vân tay, đầu tư một trang trại bò và trồng nấm. Có cái thành công, có cái thất bại, để rồi cuối cùng cậu nhận ra chỉ có nấm là thích hợp với "cái chất nông dân trong mình".
Bước chân vào nông nghiệp, hàng ngày 5 giờ sáng cậu đã đi giao nấm, sau đó về làm phôi, rồi lại chạy đến các khóa học marketing, kế toán và kết thúc lúc 1h đêm sau khi cắt hái nấm. Từ giám đốc lương hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, ngồi điều hòa, khuôn mặt búng ra sữa, giờ Võ sụt 5 kg, gầy và đen nhẻm.
"Lúc đó mình chỉ suy nghĩ một điều: Không có con đường thành công nào trải hoa hồng. Vì thế làm quần quật ngày qua ngày không biết mệt hay nản với hi vọng năm sau sẽ khác", chàng trai chia sẻ.
Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Nấm chết nhiều, làm đâu lỗ đấy. Võ và bạn xích mích vì tranh luận xem bước tiếp theo nên làm gì để tốt hơn. Một lần nữa, chàng trai trẻ lựa chọn ra đi.
Thất bại lần thứ hai này dạy cho chàng trai xứ Quảng một bài học: Làm gì cũng cần phải học hành bài bản. Anh xin về một trang trại ở Đồng Nai vừa phụ việc, vừa học nghề. Khi đã chắc tay, Anh Võ lại khởi nghiệp một lần nữa với trang trại nấm.
Để không thụ động sản xuất phải làm tốt đầu ra. May mắn, trang trại của Võ ngay gần chợ đầu mối Hóc Môn. Mỗi ngày ông chủ này xách 5 kg nấm đi từng chợ chào hàng. Sau 5 ngày cậu hợp tác được với 10 mối hàng. Hồi ấy sản lượng bán ra chỉ 300 kg nấm mỗi ngày.
Song song, Võ vẫn không ngừng học hỏi kiến thức qua sách vở, những người thành công và các khóa kinh doanh. Chàng trai khắc phục được điểm yếu của mình về quản lý tài chính. Nếu như trước đây chưa rành kiểm soát các con số, cậu có thể dành tới 20% lợi nhuận cho chi phí nhân sự của mình. Nhưng khi đi học, cậu biết lương chỉ được từ 12% đổ lại.
"Chuyển qua làm nấm tôi cũng có lợi thế vì từng làm online, nên từ trước khi đầu tư sản xuất đã chạy quảng cáo trên Facebook, website, tìm khách hàng", cậu chia sẻ.
Mang sản phẩm đi chào hàng nhiều nơi, tháng 8/2019 Anh Võ nhận cuộc gọi từ một tập đoàn lớn đề nghị cung cấp hàng cho họ. Sau hai tháng kiểm tra chất lượng cũng tới ngày họ đưa ra bản hợp đồng. "Khoảnh khắc đọc bản hợp đồng tôi bất ngờ. Họ cần 5-6 tấn, chiếm hơn 1/3 số lượng sản xuất được", Anh Võ hồi tưởng.
Cậu sung sướng tới nỗi khóc suốt quãng đường 20 km từ Hóc Môn lên Quận 1 để gặp bạn. Trong đầu dội về quãng thời gian 4 anh em đồng cam cộng khổ. Một năm rưỡi không ai có lương vì dồn hết lợi nhuận để mở rộng sản xuất, nhưng tất cả vẫn tin sẽ có một ngày thành công.
"Ký được hợp đồng này thì số lượng sản xuất ổn định, anh em sẽ bắt đầu có lương. Hơn nữa, đây là một doanh nghiệp lớn, không lo bị găm vốn như bỏ mối chợ. Từ đây chúng tôi dám mạnh dạn đầu tư tăng sản xuất", Võ nghĩ, lòng tràn trề hứng khởi về tương lai.
Gần đây công ty Võ vừa ký hợp đồng với một hệ thống siêu thị khác, cùng một số đại lý. Anh cũng đang đầu tư làm các sản phẩm từ nấm để cung cấp ra thị trường.
Nguyễn Hoàng Lâm, 29 tuổi, một trong 3 đồng đội của Võ chia sẻ, từ hồi cấp 3 đã ấn thượng với Anh Võ vì "cực kỳ thông minh, không đi học thêm mà học giỏi, song mắc tính ham chơi". Sau này Võ lập công ty giày, Lâm cũng từng có công ty rượu. Tới khi làm nấm, cả hai hợp về một mối.
"Võ bằng tuổi tôi nhưng ra đời sớm hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Cậu ấy giống như lãnh đạo tinh thần của nhóm vì sự từng trải, kinh nghiệm kinh doanh, đến kết giao, đối nhân xử thế đều đáng cho chúng tôi học hỏi", Hoàng Lâm cho hay.
Cùng thời gian ký được hợp đồng lớn năm ngoái, Võ nhắn cho người bạn từng làm với mình trước kia, nhận bao tiêu đầu ra cho bạn.
"Chỉ cần kiên trì theo đuổi đến cùng, dù như bạn tôi tự mày mò hay như tôi học hỏi từ người giỏi hơn, thì đều đi đến kết quả tốt đẹp", Anh Võ nói.
Phan Dương