Ông Trần Ngô, Phó giám đốc điều hành Ban đường Hồ Chí Minh, cho biết những khối lượng đất sạt lở được báo cáo là khối lượng hiện còn nằm lấp trên mặt đường. Nếu đào, san ủi phần đất này thì chân ta luy sẽ hẫng và hiện trường tiếp tục sạt lở nặng.
Theo ông Bhơ Đhôn, ở làng Rô, huyện Nam Giang, thì nguyên nhân sâu xa là do sự suy thoái thảm thực vật. Ông đã từng chứng kiến nơi xảy ra lũ ống, nhìn bề mặt đất thì không có dấu hiệu gì, nhưng do cây gỗ bị đốn lâu năm mục cả gốc rễ, khi có lượng nước lớn thì tạo cả dòng lũ phía dưới, mặt đất không còn bám được vào núi đồi. Nếu còn phá rừng dữ dội như hiện nay, thì không chỉ nguy cơ sạt lở tắc đường mà con đường khó bề tồn tại.
Ông Trần Ngô cho biết: "Đối với những điểm đứt hẳn đường hoặc đe doạ cắt đường trong vài cơn mưa lớn sắp tới như Km331+500 đến Km331+650, đơn vị chúng tôi không tự quyết định được phương án khắc phục. Ban điều hành đang đệ trình kiến nghị lên Bộ GTVT xin ý kiến về giải pháp".
Tuy nhiên theo báo cáo thống kê về vị trí và khối lượng sạt lở thì có 22/27 vị trí sạt lở nặng là không có thiết kế xây dựng ta luy(?), dù tuyến đường này được xây dựng dọc theo dãy Trường Sơn. Cũng theo ông Ngô thì nếu xây dựng ta luy hết cả tuyến đường thì kinh phí không chỉ 5.300 tỷ đồng như dự toán, mà sẽ là 10.000 tỷ, thậm chí nhiều hơn nữa.
Ngày 1/10, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị liên quan đi kiểm tra cụ thể từng vị trí sụt, trượt nguy hiểm trên đoạn đèo Sa Mù (đoạn Khe Gát- Khe Sanh), đoạn Khâm Đức - Đắc Zôn và đèo Lò Xo. Theo đó, Ban quản lý dự án đã giao cho các đơn vị thi công là các Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, Đường thủy và Liên doanh xây dựng Quảng Bình khẩn trương phối hợp với tư vấn thiết kế lập hồ sơ khắc phục, trình Bộ GTVT. Riêng đối với các đoạn sụt, trượt nhẹ, đơn vị thi công phải khẩn trương xử lý nhằm đảm bảo giao thông thông suốt cho toàn tuyến.
(Theo Lao Động , TTXVN)