Hầm chui dưới đáy sông Sài Gòn thuộc dự án đại lộ Đông Tây, là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam, đang trong giai đoạn đúc những đốt dìm cuối cùng.
Phối cảnh hầm Thủ Thiêm tương lai. Ảnh: Ban quản lý dự án |
Theo thiết kế, đường ngầm này bắt đầu chui xuống đất bởi 2 đoạn dẫn ở hai bờ quận 1 và quận 2, với độ nghiêng 4%. Hầm dìm dưới lòng đất bằng 4 đốt ở độ sâu xấp xỉ 14 m so với mặt nước giữa sông Sài Gòn.
Trao đổi với VnExpress, ông Vương Hoàng Thanh, Trưởng Phân ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây cho biết việc đúc 4 đốt hầm dìm đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng tại công trường huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Mỗi đốt dài 93 m, rộng 33 m, cao 9 m (tương đương tòa nhà 3 tầng).
Theo ông Thanh, dự kiến phải mất tới 4-5 tháng nữa để nạo vét lòng sông, sau đó đơn vị thi công mới di chuyển các đốt hầm này tới vị trí sẽ đánh chìm và thực hiện việc lắp đặt.
Cửa hầm theo phối cảnh. Ảnh: Ban quản lý dự án |
Nhà thiết kế hầm Thủ Thiêm đã đưa ra mục tiêu đảm bảo tuổi thọ 100 năm cho công trình này. Tuy nhiên không ít ý kiến lo ngại về độ bền của hầm trong điều kiện địa chất yếu và có nhiều phức tạp như ở TP HCM.
Do đó, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, để đảm bảo tuổi thọ công trình nằm dưới một dòng sông, chịu áp lực khủng khiếp từ việc xói mòn của nước, các kỹ sư phải dùng bê tông cốt thép, chống thấm, dày hơn 1,2 m và được kiểm tra bởi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, để làm thành hầm.
Để đảm an toàn tuyệt đối, trong hầm sẽ được lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ cho vận hành gồm: hệ thống cấp nước, chiếu sáng; chống cháy; thông gió; hệ thống đo đạc độ ô nhiễm không khí và cả việc đếm xe... Ngoài ra khi xảy ra sự cố, người dân sẽ được thông báo ngay tức thì bằng loa phóng thanh quản lý bởi trung tâm điều khiển.
Ví dụ, khi nồng độ khí ô nhiễm trong hầm tăng lên thì trung tâm điều khiển tự động tăng thêm công suất quạt thông gió; hay trường hợp mật độ xe trong hầm quá đông, trung tâm ngăn bớt lượng xe xuống hầm... Hai bên hầm còn có khoang thoát hiểm rộng 2 m.
Thiết kế bên trong hầm. Ảnh: Ban quản lý dự án |
Theo yêu cầu của UBND TP HCM, đến cuối năm nay, việc dìm các đốt hầm phải hoàn tất. Dự kiến tháng 6/2009 sẽ thông xe kỹ thuật và đầu năm 2010 hầm Thủ Thiêm chính thức được vận hành.
Như vậy, người dân Sài Gòn sẽ lần đầu tiên được lưu thông dưới lòng con sông nổi tiếng nhất Sài Gòn. Tốc độ quy định tối đa 60 km/h, xe máy được phép chạy bình thường nhưng thiết kế độ dốc 4% của hầm sẽ không cho phép người đi bộ, xe đạp và các phương tiện thô sơ khác đi qua.
Tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, lãnh đạo TP HCM kỳ vọng hầm chui này cùng với dự án đại lộ Đông Tây tạo thành tuyến trục mới, giải tỏa ách tắc giao thông cho cầu Sài Gòn và các đường chính khác. Hầm Thủ Thiêm đồng thời cũng kết nối trung tâm thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho đô thị mới tương lai này.
Kiên Cường