Thông tin được TS.BS Bùi Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Khoa học kỹ thuật dinh dưỡng - thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết tại tọa đàm Xu hướng sử dụng thực phẩm và đồ uống có đường trên thế giới và tại Việt Nam, ngày 10/12.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam là 46,5 gam/ngày, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (25 gam/ngày). Lượng tiêu thụ đường ở Việt Nam tăng lên gấp 7 lần trong 15 năm. Sử dụng nhiều đường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm.
Một lon nước ngọt có gas chứa tới 36 gam đường. Kết quả nghiên cứu trên gần 2.000 người về thói quen sử dụng nước ngọt có gas cho thấy trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas. Đường không chỉ nằm trong bánh kẹo, đồ uống ngọt mà còn "ẩn mình" trong nhiều món ăn hàng ngày. Đặc biệt, đường trong các loại nước chấm và sốt lại ít được lưu tâm.
"Trước đây, nước mắm truyền thống thường chỉ có mắm, chanh và ớt. Nhưng hiện hầu hết công thức nước chấm như nước chấm ốc, chấm nem đều chứa đường", TS Hương nói, thêm rằng có những loại nước chấm nêm 4 thìa đường trong 10 thìa nguyên liệu.
Các loại sốt được sử dụng phổ biến để tăng hương vị cho món ăn cũng chứa hàm lượng đường cao. Nhiều loại sử dụng sữa đặc là một trong các thành phần chính. Trong khi đó, loại nguyên liệu này lại có đến 50-55% thành phần là đường.
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Vân, Viện Phó Viện Dinh dưỡng TH, cũng nhìn nhận bệnh mạn tính không lây đang ngày càng trẻ hóa do thói quen sử dụng thực phẩm nhiều đường, nhiều muối. Vì vậy, người tiêu dùng cần giảm đường trong khẩu phần dinh dưỡng mỗi ngày. Ở cả người lớn và trẻ em, WHO khuyến cáo nên giảm lượng đường tự do hấp thụ xuống dưới 10% tổng lượng năng lượng hấp thụ. Trong 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý tới năm 2030 vừa ban hành, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế thức ăn nhiều đường, đồ uống có đường.
Các nhà sản xuất thực phẩm nên giảm lượng đường tinh luyện, dùng các chất ngọt thay thế và có nguồn gốc thiên nhiên như trái cây. Ngoài ra, người dân nên làm quen với việc giảm lượng đường thêm vào đồ uống và thực phẩm; lựa chọn thực phẩm không đường hoặc chất tạo ngọt thay thế từ thiên nhiên ít calo, để điều chỉnh dần thói quen sử dụng đường.
Lê Nga