Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Tùng , Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, nói tại cuộc họp kiểm tra dự án, chiều 27/7. Công trình có tổng vốn hơn 3.837 tỷ đồng, đi qua các quận Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền.
Theo ông Tùng, tổng diện tích đất cần cho dự án là 162 ha với 1.264 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, địa phương đã chi trả cho 489 hộ, với trên 772 tỷ đồng và bàn giao cho đơn vị thi công được 5,2 km, đạt hơn 28%. Các khu tái định cư ở quận, huyện đang giai đoạn hoàn thiện, chưa có giá nền nên không đủ điều kiện bàn giao cho người dân.
"Theo khái toán sơ bộ của các địa phương, kinh phí dự án được duyệt hơn 829 tỷ đồng chỉ đáp ứng 40%", ông Tùng nói và cho biết 60% còn lại (khoảng 1.000 tỷ đồng) phải chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Về tiến độ công trình, đến nay dự án hoàn thành thiết kế bản vẽ và dự toán 7 gói thầu thi công. Trong đó, 4 gói thầu (16, 17, 19 và 20) đã ký hợp đồng với nhà thầu. Ba gói còn lại (15, 18 và 21) phải chờ sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án mới có kết quả thẩm định hồ sơ dự toán.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu nói dự án Vành đai phía Tây giúp việc di chuyển đến các địa phương trong thành phố thuận lợi và nhanh chóng. Cùng với các tuyến cao tốc, dự án mang lại nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ. Ngoài giải pháp tìm vốn cho dự án, chính quyền thành phố sớm quy hoạch đô thị dọc tuyến để khơi thông nguồn lực đất đai.
Đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ khởi công cách đây hơn 8 tháng. Lúc đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công trình có vai trò quan trọng khi hình thành trục vành đai ngoài, tạo không gian phát triển mới cho TP Cần Thơ, kết nối thủ phủ miền Tây các tỉnh lân cận.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị chủ đầu tư cùng các bên liên quan nghiên cứu rút ngắn thời gian thi công từ ba còn hai năm để công trình sớm khai thác. Ngoài ra các địa phương cần thực hiện tốt bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho những hộ dân ảnh hưởng bởi dự án.
An Bình