Theo lời khai của ông Dũng: "Khoảng 18h ngày 17/5/2012, nhận được cuộc gọi của người quen mật báo, bị cáo hoảng quá cứ thế đi luôn, càng xa Hà Nội càng tốt". Công tố viên truy hỏi người báo tin ngay trước thời điểm lệnh khởi tố được ban hành nhưng ông Dũng cho rằng đã khai với cơ quan điều tra. Việc này liên quan một vụ án khác nên không muốn nói ra tại phiên toà này.
Cơ quan công tố hỏi trong thời gian bỏ trốn ai đã cung cấp tiền, ông Dũng không trả lời và chỉ nói do thường phải đi công tác xa nên lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tiền trong người.
Trong vụ cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng do ông Dũng và 9 đồng phạm gây ra khi mua ụ nổi 83M, Vinalines được xác định là nguyên đơn dân sự. Có mặt tại tòa, ông Lê Triêu Thanh, đại diện Vinalines cho hay, ụ nổi đang neo giữ ở tỉnh Long An và đã được bàn giao cho nhà máy sửa chữa tàu biển. Chi phí hàng tháng cho bảo vệ, sửa chữa cho ụ nổi hết khoảng một tỷ đồng, trong khi suốt 5 năm qua, ụ chưa một lần được đưa vào sử dụng.
Khi chủ tọa hỏi Vinalines có kiến nghị yêu cầu bồi thường như thế nào, ông Thanh ấp úng cho rằng "tuân thủ theo phán quyết của toà". Chủ tọa Ngô Thị Ánh giải thích, Vinalines là tập đoàn của Nhà nước, không phải cá nhân nên không thể theo thoả thuận. Trách nhiệm của Vinalines là bảo vệ tài sản nhà nước nên ông "phải có đề nghị chính thức”.
Quay trở lại việc ông Dũng cùng 3 thuộc cấp nhận "lại quả" 1,666 triệu USD từ Công ty AP - Singapore sau khi thương vụ mua ụ nổi cũ nát với "giá trên trời" 9 triệu USD thành công, HĐXX xét hỏi nhân vật trung tâm của vụ chia chác này là bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines).
Bị cáo Sơn khai đã nhận tiền từ AP chuyển qua tài khoản của công ty em gái Trần Hải Hà. Ông Sơn khẳng định đã hai lần chuyển hai valy tiền (tổng cộng 10 tỷ đồng) cho ông Dũng. Tuy nhiên, giống như hôm qua, ông Dũng tiếp tục phủ nhận, cho rằng đó chỉ là valy rượu.
Có mặt tại tòa, bà Trần Hải Hà khai, năm 2008, sau khi nhận được điện thoại của anh trai đã vội vàng ra ngân hàng rút 5 tỷ đồng. Do nhận tiền nhiều mệnh giá khác nhau nên ông Sơn yêu cầu bà đổi ra tiền 500.000 đồng, nói rằng để mang tới khách sạn cho ông Dũng. “Anh ấy còn nói đùa, nhiều loại tiền vậy thì bắt anh dùng bao tải để đựng à”, bà Hà khai.
Theo lời khai của bị cáo Sơn, chuyển xong tiền cho ông Dũng, Sơn tiếp tục chuyển 10 tỷ đồng "lại quả" cho Tổng giám đốc Mai Văn Phúc. Tuy nhiên, ông Phúc đã phủ nhận việc này. “Tôi đề nghị HĐXX thẩm vấn lại bị cáo Sơn. Nếu đúng là đến nhà, giao tiền nhiều lần cho tôi, thì anh ta có biết phòng khách ở đâu, bố trí ở gian nào”, ông nói.
Tòa triệu tập vợ chồng bà Trần Thị Hải Huyền, em gái ông Sơn, hỏi về việc này. Theo đó, Tết âm lịch cuối năm 2008 hay 2009, họ có nghe anh trai bảo chuẩn bị 2,5 tỷ đồng để mang về đến đám giỗ ở nhà ông Phúc. Họ thấy ông Sơn xếp tiền vào túi to. Chồng bà Huyền trực tiếp lái xe chở bị cáo Sơn đến nhà ông Phúc tại huyện An Dương, Hải Phòng vì hôm đó ông Phúc về đây.
Có mặt tại toà, bà Phạm Thị Mai Phương, vợ ông Dũng, phủ nhận lời khai của Sơn về việc mang valy tiền đến nhà mẹ bà trong lần giao tiền thứ hai. Theo bà, việc bị cáo Sơn khai khi đến nhà không có ai là sai, vì con gái bà đang đẻ nên nhà luôn có người.
Dù cho biết "không chứng kiến việc Sơn đưa tiền”, nhưng bà Phương tin rằng không có việc Sơn chuyển 10 tỷ đồng cho chồng bà như cáo trạng quy kết và lời khai của bị cáo này.
Về hai căn hộ chung cư theo cáo buộc ông Dũng mua bằng tiền tham ô cho người tình, hiện bị kê biên, bà Phương cho rằng nguồn tiền là của gia đình bà. Theo bà, khi ông Dũng nói đưa tiền "để có việc", bà đã giao mà không biết chồng dùng để mua cho bồ nhí. Giờ bà muốn nói lại việc này trước tòa cho rõ để "chồng không bị oan sai".
Cùng tâm trạng của người vợ, bà Ngô Thị Vân (vợ của ông Phúc) nghẹn ngào cho biết nếu có việc Sơn đưa số tiền lớn như vậy cho ông Phúc tại An Dương thì chắc bà đã biết. “Tôi là chủ nhân ở đó, có tiền tôi phải biết”, bà Vân rớm nước mắt trình bày.
Khép lại phiên xử buổi sáng, các đại diện của Bộ Giao thông vận tải, ngân hàng Citibank… cũng được HĐXX thẩm vấn. Tất cả đều cho rằng đã làm đúng chức năng, phủ nhận cáo buộc của cơ quan công tố rằng có sai phạm trong việc quản lý, xét hồ sơ và giải ngân khi mua ụ nổi 83M…
2h chiều nay, phiên toà tiếp tục.
Đường đi của khoản hối lộ hơn 1,6 triệu USD (trên 28 tỷ đồng) tới tay các quan chức Vinalines Trần Hải Sơn khai, biết ông Goh Hoon Seow (Giám đốc điều hành Công ty AP) từ khi Vinalines xúc tiến mua ụ nổi 83M. Trước khi Vinalines ký hợp đồng, khoảng đầu tháng 3/2008, ông Goh Hoon Seow gặp Sơn, nói: "Ông chuẩn bị nhận tiền lại quả, tôi đã thống nhất với ông Dũng và ông Phúc rồi. Các ông ấy nói giao cho ông 1,666 triệu USD". Sơn đến phòng làm việc của ông Dũng, nói lại nội dung ông Goh Hoon Seow đã trao đổi và được xác nhận là đúng. Ông Dũng bảo: "Chia theo tỷ lệ 10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em". Sau đó, Sơn gặp ông Phúc nói lại câu chuyện trên và được bảo: "Anh đồng ý, em xúc tiến nhanh nhé". Sơn sau đó nhờ em gái là giám đốc công ty TNHH mở tài khoản tại một ngân hàng nước ngoài có trụ sở tại TP HCM để nhận khoản tiền chuyển từ Công ty AP. Để hợp thức hóa việc này, hai bên lập hợp đồng khống về việc đầu tư dự án khai thác điểm thông quan nội địa ICD tại Hải Phòng. Ngày 18/6/2008, 5 ngày nhận được tiền bán ụ nổi 83M, Công ty AP đã chuyển 1,666 triệu USD vào tài khoản của Công ty Phú Hà. Một tháng sau, khi tiền được chuyển về, Sơn gọi điện cho ông Dũng nói: "Em gặp bác để chuyển ít quà". Cùng ngày hôm đó, Sơn kéo valy đựng 5 tỷ đồng đưa cho ông Dũng, nói: "Theo chỉ đạo của bác, hôm nay em chuyển trước cho bác 5 tỷ đồng từ ụ nổi 83M. Số tiền còn lại, em chuyển bác sau. Một tháng sau (8/2008), một valy tiền 5 tỷ nữa được Sơn chuyển cho ông Dũng tại nhà mẹ vợ ông này ở Hải Phòng. Cả hai lần nhận tiền, ông Dũng đều nói: "Cám ơn em". Khoản 10 tỷ đồng giao cho ông Phúc được Sơn giao làm 3 lần. Hai lần chuyển hai valy tiền, lần thứ ba là cặp tiền 2,5 tỷ đồng. Lần nào giao, Sơn cũng nói: "Gửi anh tiền ụ nổi". Ông Phúc nhận và cám ơn. Theo cáo buộc, do ăn chia khoản tiền trên, nên ngoài tội Cố ý làm trái, ông Dũng, Phúc cùng hai thuộc cấp Chiều, Sơn đã phạm tội Tham ô tài sản. Khung hình phạt cao nhất theo truy tố với 4 người này lên tới tử hình. |
Việt Dũng