-
![]() |
Nhà văn Dương Bình Nguyên. Ảnh: Minh Thúy. |
- Anh từng nói, viết văn đôi khi hơi giống viết nhật ký. Những nhân vật xưng "tôi", những khắc khoải của một chàng thanh niên tỉnh lẻ ra phố, những dằn vặt tình ái... được lấy nguyên mẫu từ đâu, nếu không phải là từ Dương Bình Nguyên ngoài đời?
- Coi những nhân vật xưng "tôi" đó là chính tôi cũng được, vì điều đó làm tôi cảm thấy thú vị. Nhưng không thể nói tất cả nhân vật của tôi đều là tôi, bởi như vậy thì cũng hơi... khủng khiếp, còn đời sống thật của tôi đôi khi nhạt nhẽo. Có một sự thật, có dấu vết của cá nhân tôi trong văn chương - có những chi tiết từ đời sống thật, có đổ vỡ thật, có đau đớn và đôi khi là sự mất mát. Con người, khi sống bản năng thì sẽ mất mát nhiều. Tôi không giỏi kỹ thuật viết nên vẫn viết bằng bản năng của mình. Điều này không thật tốt. Nhưng tôi đã viết rồi, không sửa lại được nữa.
- Nhiều truyện ngắn của anh có cốt truyện rất rõ ràng, cảm động, như "Vĩnh biệt Huyền Trân", "Người đập áo sông Năng", "Thiên di", "Bóng Kơ-nia đổ dài". Nhưng bên cạnh đó có những truyện ngắn nhẹ bẫng, như "Chỉ là mơ thấy", " Phố trắng mưa ban sáng". Tại sao vậy?
- Tôi nghĩ rằng, độc giả ít quan tâm đến việc một truyện ngắn có cốt truyện lâm ly hay không, mà quan trọng là tác phẩm đó mang đến điều gì cho họ, để lại ấn tượng gì. Tôi không viết truyện ngắn theo cách "bài binh bố trận", mà nghĩ tới đâu viết tới đó. Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất của truyện ngắn không phải là ở nội dung câu chuyện mà là dư vị còn lại của độc giả sau khi đã đọc xong. Thế nên với tôi, những cái cảm động và nhẹ bẫng đều có giá trị ngang nhau. Tôi sinh ra chúng và cố gắng làm người cha tốt, yêu và ghét công bằng.
- So với vài năm trước, cách hành văn, kể chuyện của anh hiện nay đã có nhiều thay đổi. Văn học dường như chính là địa hạt anh già đi nhanh nhất và nhìn thấy rõ nhất, như anh từng viết trên blog: "Chỉ thấy mình già đi chứ không thấy mình lớn lên". Anh nói sao?
- Tôi không có khả năng hóa thân vào những nhân vật quá khác với mình. Đó là một nhược điểm. Tôi sẽ viết về những nhân vật cùng thế hệ với mình nên chắc là tôi cũng đã già rồi. Truyện của tôi cũng có phần trầm tĩnh hơn.
- Đoạn giới thiệu của tập truyện "Giày đỏ" sắp phát hành của anh dễ gây gốc cho độc giả, vì văn của Dương Bình Nguyên chưa bao giờ sex như thế. Có ý kiến cho rằng tính thị trường và tính trào lưu của văn học có vẻ đã làm thay đổi giọng văn nhẹ nhàng, da diết của anh. Anh nghĩ sao trước nhận xét đó?
- Đó là một đoạn trong Cải lạc loài, một truyện mới của tôi. Thực ra cái đoạn đó cũng chẳng có gì là sex lắm, mà chỉ là đoạn bế tắc nhất của nhân vật chính thôi. Viết theo thị trường ư? Cái này mới mẻ quá, tôi chưa tìm hiểu kỹ. Còn trào lưu ư? Sex thì có gì mới mà gọi là trào lưu? Sáng tác là công việc cô độc, không mang tính bầy đàn. Tôi viết về sex, về những cảnh làm tình chỉ khi nhân vật cần có điều đó. Tôi không tin một truyện ngắn nhiều sex nhưng vụng về và thô thiển lại khiến người ta yêu thích.

- Anh muốn gửi gắm điều gì tới độc giả qua "Giày đỏ"?
- Có những người tôi yêu ở trong những trang viết ấy thì cũng như một lẽ tất nhiên thôi. Tôi muốn bạn đọc của tôi coi Giày đỏ như một sự chia sẻ. Có thể họ sẽ tìm thấy mình ở trong đó, vì tôi đang viết về họ, về tôi và những người sống quanh tôi. Tôi đang viết về tuổi trẻ của mình.
- Có thể thấy anh là một người khá chăm chỉ trong chuyện viết lách, khi "Giày đỏ" là tập truyện ngắn thứ tư. Văn và báo, nghiệp nào nuôi sống anh?
- Câu hỏi này đặt ra cả một vấn đề về đời sống của những người viết văn mà sau nhiều năm chúng ta vẫn chưa trả lời được. Người viết văn đã phải vất vả sống để viết, nhưng văn chương không đem lại cho họ một cuộc sống vật chất đàng hoàng. Thực ra tôi không phải là người viết văn chuyên nghiệp, nên chuyện vật chất không thực sự làm tôi suy nghĩ lắm. Nhưng nhiều nhà văn lớn đã cống hiến toàn tâm toàn tài cho văn chương, họ vẫn phải sống trong tình trạng không sung túc. Điều đó làm tôi cảm thấy chua xót. Với tôi, nghề báo giúp tôi có được một thu nhập ổn định để sống và nó cũng giúp tôi "nạp năng lượng" cho những trang viết của mình.
- Làm báo và viết truyện ngắn dường như đã chiếm hết phần lớn quỹ thời gian của anh, vậy thời gian đâu anh dành cho tập truyện dài đầu tay "Thành phố bốc cháy"?
- Tập truyện dài này là một "mối tình" dài hai năm rồi. Lắm khi mệt mỏi, tôi quăng nó trong laptop, lúc rảnh rỗi ngồi cà phê thì lại lôi ra, nghiền ngẫm và viết tiếp. Viết được quá nửa rồi thì lại thấy muốn viết lại rồi hì hục sửa. Tôi viết văn vào những khi xáo trộn nhất. Thời gian nhiều hay ít không phải là vấn đề. Vấn đề là tôi có viết được hay không thôi. Viết truyện dài mệt lắm.
- Anh nghĩ sao về việc xuất bản "Thành phố bốc cháy"?
- Tôi không có dự định đó. Ngay cả Giày đỏ cũng là những sự kết hợp ngẫu nhiên thú vị trong đời sống. Tôi chỉ viết các tác phẩm của mình ra. Còn việc nó xuất hiện ở đâu và như thế nào, tôi không nghĩ nhiều. Viết được đã là một niềm vui lớn rồi.
- Bán bản quyền 4 truyện ngắn cho ca sĩ Lưu Gia Bảo với giá 60 triệu đồng, anh được gì ngoài món "hời" tài chính?
- Tôi không hiểu cái ý được "hời" là như thế nào? Phải chăng là 60 triệu đó? Tôi chẳng nghĩ như vậy. Phía ca sĩ đã suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi mua tác phẩm của tôi, chứ tôi không nghĩ rằng mình bỗng nhiên có được một số tiền bản quyền như vậy. Như tôi nói, đó chỉ là sự kết hợp ngẫu nhiên thú vị. Cũng cần lưu ý rằng, Lưu Gia Bảo không dừng lại ở dự án đó. Anh ấy mới tuyên bố các truyện ngắn đó đã được viết thành kịch bản video clip và sẽ xuất hiện trên thị trường băng đĩa trong thời gian tới.
- Giả sử bây giờ có một ca sĩ khác đặt mua truyện dài "Thành phố bốc cháy" của anh từ lúc nó còn nằm trên bản thảo với giá cao hơn giá Lưu Gia Bảo đã trả, anh trả lời sao?
- Tôi không nghĩ chuyện tiền bạc lại là yếu tố quyết định được số phận một tác phẩm văn chương. Tôi không tự nhận điều gì về mình cả, nhưng tôi biết mình là ai. Tôi quan niệm, đưa truyện lên blog, chia sẻ với bạn đọc cũng có giá trị ngang với việc truyện của tôi xuất bản. Niềm vui trong nghề viết không dễ kiếm, tại sao chúng ta lại cứ phải quy đổi mọi thứ ra tiền? Văn chương thật khó là chỗ để kiếm tiền, vậy thì hãy cứ hồn nhiên với nó đi đã.
(Nguồn: Truyền hình HN)
Công ty sách Bách Việt tặng độc giả Hà Nội 10 cuốn Giày đỏ của Dương Bình Nguyên (phát hành ngày 30/7). Bấm vào đây để gửi e-mail đăng ký về tòa soạn. Đặt tiêu đề "Nhan sach Giay do" (tiếng Việt không dấu), cung cấp đầy đủ địa chỉ và điện thoại. Ban biên tập sẽ chọn người được tặng sách theo phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên. Quyết định của Ban biên tập là sau cùng. |