Thứ bảy, 23/11/2024
Thứ năm, 8/10/2020, 02:00 (GMT+7)

Đường bích họa dài nhất Thủ đô

Hà NộiHơn 100 bức họa nối dài 2,2 km gắn với văn hóa và lịch sử được vẽ trên tường đê dọc quốc lộ 32, qua huyện Phúc Thọ.

Bắt đầu từ cầu Phùng, bức tường của đoạn đường đê gần 2,5 km thuộc xã Tam Thuấn và Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, được trang trí bằng những bức họa mang nét đặc trưng văn hóa, lịch sử, của làng quê Việt Nam.

Phúc Thọ là huyện nông nghiệp được TP Hà Nội quy hoạch, phát triển thành vành đai xanh, hướng tới là huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020. Đầu tháng 7, những bức tranh được lựa chọn theo các chủ đề gắn với lịch sử, quê hương Phúc Thọ, chia thành nhiều phần: Giới thiệu di tích, danh thắng, lễ hội, nét tiêu biểu về văn hóa; giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; và thể dục, thể thao, an ninh, quốc phòng.

Một bức tranh dài hơn 10 m, cao 1,5 m thể hiện đặc sản bưởi của xã Vân Hà. Huyện Phúc Thọ có 21 xã, thị trấn, mỗi đơn vị được bố trí một bức tranh dài 50 m để khái quát những nét đặc trưng của từng địa phương. Tuyến đường bích họa chi phí hàng tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là vật liệu sơn vẽ tranh, được huyện Phúc Thọ chi trả bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Trước khi vẽ, bức tường bê tông được đánh nhẵn bằng giấy giáp, họa sĩ sử dụng sơn lót, sau đó sơn màu và cuối cùng phủ bóng để bảo vệ bức họa bền vững trước thời tiết và điều kiện tự nhiên.

Từng nét cọ mang đến mảng màu đặc thù của vùng quê Bắc Bộ. Toàn bộ diện tích vẽ lên tới 3.450 m2.

Trước khi thực hiện bức họa, các họa sĩ đến từng làng quê để ghi lại kiến trúc và hình ảnh tham khảo để phác họa lên bức tường đê khô tróc, cũ kỹ.

Anh Trần Văn Nam, trưởng nhóm họa sĩ thi công đường bích họa cho biết, con đường bích họa được thực hiện từ ngày 3/7, sau một thời gian thi công bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên gián đoạn, dự kiến hoàn thành vài ngày tới.

Hiện nhóm họa sĩ đã vẽ được 2/3 tổng diện tích, còn khoảng 800 m đang hoàn thiện những bức họa cuối.

Một mảng màu tường cuối con đê được phủ họa tiết hoa hướng dương.

Bức họa ở đoạn tường giữa xã Tam Thuấn và xã Tam Hiệp mang chủ đề lịch sử, gắn với truyền thống của quê hương Phúc Thọ như cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Dọc theo bờ đê, con đường nông thôn cũng được mở rộng để đáp ứng lưu lượng giao thông đông đúc của cửa ngõ phía Tây Thủ đô.

Ngọc Thành