Thông tin này được Cục Hàng không Việt Nam cho biết hôm 27/9. Theo cơ quan quản lý, thời gian tới, Vietjet Air dự kiến nhận 10 tàu bay, trong đó có 8 tàu Airbus A321 và 2 tàu Embraer E190. Các tàu E190 sẽ được doanh nghiệp này dùng để khai thác chặng bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo.
Đây cũng là dòng tàu bay phản lực khu vực trước đây được Bamboo Airways dùng để bay thẳng từ Hà Nội đến Côn Đảo. Tuy nhiên, từ tháng 4, hãng này đã trả sớm 3 tàu, dừng các đường bay đến Côn Đảo trong quá trình tái cấu trúc.
Thời gian qua, Vietjet cũng liên tục đăng tuyển phi công, thợ máy cho đội tàu E190. Với sự tham gia của hãng này, hành khách có thêm lựa chọn, tiết kiệm thời gian, chi phí hơn trên đường bay đặc thù này. Bởi, sau khi Bamboo Airways rút khởi đường bay Côn Đảo, hành khách ở phía Bắc tới địa phương này buộc phải nối chuyến qua sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Cần Thơ, sau đó tiếp tục di chuyển bằng tàu ATR72 của Vietnam Airlines hoặc Vasco.
Do đặc thù đường đường cất/hạ cánh ngắn, sân bay Côn Đảo chỉ tiếp nhận được các tàu bay như ATR72, E190 hoặc tương đương. Mỗi chuyến bay bằng ATR72 chỉ chở tối đa 66 hành khách. Do sân bay Côn Đảo không có đèn đêm, các hãng hàng không chỉ khai thác được ban ngày, tối đa 30 chuyến một ngày.
Nhu cầu bay lớn, trong khi năng lực vận chuyển của các hãng bị giới hạn, nên giá vé chặng bay đến Côn Đảo luôn ở mức cao. Cụ thể, vé khứ hồi TP HCM - Côn Đảo thường quanh mức 2,7 triệu đồng. Vé bay thẳng từ Hà Nội đến Côn Đảo trước đây của Bamboo Airways cũng không dưới 3 triệu đồng một chiều. Nếu bay từ phía Bắc, chi phí của hành khách phải bỏ ra khoảng 7 triệu đồng.
Hồi tháng 8, Bộ Giao thông Vận tải từng đề xuất mở rộng đường băng tại Côn Đảo từ 30 lên 45 m và xây mới một đường lăn song song để đón các máy bay lớn như A320, A321, B737.
Anh Tú