Hình ảnh chụp cụm Sinh Tồn tại quân đảo Trường Sa của Việt Nam từ trên không do NASA chụp lại, trong đó bãi Gạc Ma nằm ở điểm cuối phía nam. |
"Nếu thực sự đây là một đường băng, chắc chắn đó sẽ là mối quan ngại an ninh lớn", cổng thông tin Interaksyon của Philippines dẫn lời ông Peter Paul Galvez, người phát ngôn Bộ Quốc phòng, hôm qua cho biết.
Ông xác nhận các thông tin mà báo chí Philippines đưa ra trước đó rằng phạm vi di chuyển đất đá trên Gạc Ma cho thấy nó có thể sẽ tạo nên một đường băng.
Khi được hỏi liệu nó có phải là bước đầu trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hay không, ông Galvez đáp: "Có thể".
Gạc Ma là một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988. Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền với bãi đá này.
Tại một cuộc họp báo tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh không xác nhận việc xây dựng đường băng, nhưng ngang nhiên khẳng định bãi đá thuộc chủ quyền nước này, bất chấp thực tế là nó thuộc về Việt Nam và bị Trung Quốc đánh chiếm.
Hồi cuối năm ngoái, Bắc Kinh đơn phương thông báo thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, bao trùm chuỗi đảo tranh chấp với Nhật Bản mang tên Senkaku/Điếu Ngư. Theo quy định của ADIZ, tất cả các máy bay nước ngoài đi qua đây phải báo cáo trước với Trung Quốc. Quyết định này làm dấy lên sự phản đối kịch liệt của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Hồi tháng hai, báo Nhật Asahi Shimbun cảnh báo Trung Quốc đang có ý định lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy nhiên, phía Trung Quốc bác bỏ.
Trọng Giáp