Sau phát biểu được xem là ấn tượng nhất trong kỳ họp Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dư luận xôn xao và đầy những ý kiến phản hồi. Còn chúng tôi, những nhân viên y tế cũng bắt đầu ngồi với nhau và chua chát .
Nhiều ý kiến ủng hộ nhiệt tình phát biểu của Bộ trưởng Y tế, tuy nhiên họ cho rằng rất khó để vừa đưa phong bì vừa chụp hình. Vậy nên những người ủng hộ còn yêu cầu phải lập thêm đoàn kiểm tra, mặc thường phục " vi hành " vào tất cả các bệnh viện công hoặc cao hơn nữa là lắp đặt camera ở tất cả các khoa phòng.
Còn tôi cho rằng không khó để chụp hình một bác sĩ nhận phong bì, rồi đâu đó trên đất nước hình chữ S này sẽ có một " nạn nhân " bị chụp hình. Rồi báo chí sẽ lại nhảy vào. Lại " gióng lên hồi chuông báo động về y đức ", xã hội sẽ được một dịp để cực lực lên án cái bọn " lương y như dì ghẻ ".
Sau phát súng đầu tiên được nổ ra ấy, sau khi " nạn nhân " đầu tiên gục xuống sẽ nhanh chóng tiếp đến nạn nhân thứ hai, thứ ba và .. ... n. Tuy nhiên tôi chỉ muốn hỏi rằng sau khi tất cả các nhân viên y tế nhận phong bì ấy bị tố cáo, bị đuổi ra khỏi ngành thì điều mà các bạn mong muốn nhận được có xảy ra không? Chất lượng y tế có được nâng lên không? Bệnh nhân có khỏi phải nằm 2-3 người một giường không?
Và nếu câu trả lời của bạn toàn là không thì cảm giác sau khi phát biểu của Bộ trưởng Y tế được thực thi không còn gì khác ngoài chữ "hả dạ". Và cảm giác đó cũng sẽ lại trôi tuột rất nhanh thì bạn có còn tiếp tục tìm kiếm và chụp hình để gửi nữa không? Hay lúc đó bạn lại tìm kiếm một cái phong bì và dấm dúi đút vào túi ai đó ?
Y tế giờ đây đã được gọi là dịch vụ hay dịch vụ y tế. Ở đây, không bàn gì đến kinh tế vĩ mô, chiến lược y tế quốc gia, thu nhập bác sĩ nước giàu thế này thế nọ. Bạn có thể nhìn một mô hình dịch vụ y tế bằng con mắt của một người nông dân thuần túy " Mua cái gì - bán cái đó ".
Lẽ thường, cần cái gì thì bỏ tiền ra mua cái đó. Khi bạn dùng đồng tiền đưa cho nhân viên y tế để được khám nhanh, được chăm sóc tận tình hơn thì cũng đừng tỏ ra quá ngạc nhiên. Trước và sau phong bì thái độ nó khác hẳn vì chính bạn mong muốn điều đó. Bạn bỏ tiền ra để muốn khám trước vượt qua mấy chục người đang đợi, bỏ tiền ra để điều dưỡng chăm sóc mình tốt hơn. Điều đó hiển nhiên vì cái bạn muốn mua đã được bán.
Giờ lại lật ngược vấn đề, thế thì trường hợp:
A: " Nhà cháu nghèo lắm, tiền mua thuốc còn chưa đủ. Tiền đâu mà đưa cho bác sĩ, điều dưỡng?"
B: " Thế thì cháu phải kiên quyết không đưa . Để tiền chăm sóc bệnh nhân cho tốt".
A: " Nhưng cháu không đưa cháu sợ đợi lâu lắm, với lại bác sĩ khám qua loa, mấy chị điều dưỡng hay la lắm".
B : "Vậy à. Hay cháu ra ngoài bệnh viện tư ở ngoài ở đó dịch vụ tốt lắm, khám nhanh mà ai cũng niềm nở."
A : " Nhà cháu nghèo lắm, tiều đâu mà đi bệnh viện tư ".
Vậy đấy, điệp khúc nghèo nó cứ vang mãi. Người mua - bệnh nhân không đủ tiền để hưởng dịch vụ y tế mà chỉ đủ để được chăm sóc y tế. Còn người bán - nhân viên y tế ( xin lỗi cũng không giàu ) nhận không đủ tiền để đáp ứng dịch vụ, họ chỉ có thể làm nghĩa vụ y tế .
Vậy nguyên nhân của cái việc "xuống cấp y đức", " chất lượng dịch vụ y tế thấp" là do cái nghèo?
Không đúng, cá nhân tôi cho là nó có nguyên nhân sâu xa từ lâu.
Hồi Nhà nước còn khống chế mức trần, mỗi năm bệnh viện sẽ lên nhận ngân sách và người dân đi khám chữa bệnh chỉ phải trả một phần chi phí. Vì bị khống chế mức trần và nguồn thu nên hồi đó có người đùa " Giờ mà thả nổi bệnh viện là bệnh viện chết " .
Tới khi Nhà nước thả nổi theo kinh tế thị trường thì thu không đủ chi và ngân sách cũng không đủ cung. Các bệnh viện đành bóp lưng buộc bụng mà trả lương nhân viên y tế thật thấp. Thấp đến nỗi có bác sĩ giám đốc bệnh viện phát biểu với Bộ trưởng y tế phải phát khóc lên rằng: " Chúng tôi đã tự ăn vào người của chúng tôi ."
Vậy là đành phải cho phép tăng viện phí, thật ra là cho phép trở về giá trị thật. Và tới giai đoạn này người ta lại đùa "Giờ mà thả nổi bệnh viện thì bệnh nhân chết ", vì bệnh nhân không đủ trả tiền viện phí.
Vậy nguyên nhân của toàn bộ sự việc này không phải là vì nghèo, vì lương thấp hay vì quá tải mà là vì quản lý ở trên. Chăm lo cho sức khỏe toàn dân là phải huy động nguồn lực của cả đất nước. Hãy giúp bệnh nhân và y bác sĩ ở cùng bên chiến tuyến chứ đừng để họ đối lập hai bên như hiện nay.
Nguyen Giap
Chia sẻ câu chuyện của bạn về khám chữa bệnh tại đây.