Yến Nhi, nhà ở quận Cầu Giấy, đặt nguyện vọng 1 vào THPT Yên Hòa - ngôi trường năm ngoái lấy điểm chuẩn gần 8,5 mỗi môn, luôn nằm trong top 10 cao nhất của thành phố. Ngoài ra, em còn thi thêm lớp tiếng Trung, trường THPT chuyên Ngoại ngữ và chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Hiện, Nhi học chính khóa vào buổi sáng, chiều ôn ba môn Toán, Văn và Tiếng Anh theo lịch của trường. Buổi trưa, nữ sinh lên thư viện để ôn bài. Buổi tối và cuối tuần, em học thêm bốn môn, tổng số buổi là 11, sắp tăng lên 12.
"Em được nghỉ duy nhất sáng chủ nhật, hôm nào cũng khoảng 21-22h mới rời lớp học thêm", Nhi kể. "Về nhà, em tự học, thường tới 1h sáng".
Bữa tối của Nhi diễn ra vào giữa các ca. Em hay mua bánh, những hôm tan sớm hoặc học online mới kịp về nhà ăn. Gần đây, Nhi thường xuyên đau đầu, người mỏi.
"Nhưng cũng không còn cách nào khác, em đặt nguyện vọng vào những trường top cao, nên phải cố gắng", Nhi nói.
Không học thêm nhiều như Yến Nhi, nhưng Minh Huyền, quận Long Biên, cũng cảm thấy căng thẳng. Em bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhiều hơn trước, giấc ngủ không sâu. Nữ sinh đặt nguyện vọng 1 vào THPT Nguyễn Gia Thiều, điểm chuẩn năm ngoái trung bình khoảng 8,35 điểm/môn.
"Còn một tháng nữa thôi mà điểm thi thử của em chỉ khoảng 8. Em phải lao vào luyện đề", Huyền nói lý do cảm thấy mệt mỏi, lo lắng.
Buổi tối, nữ sinh thường làm đề Toán và Tiếng Anh tới 1h30, sáng 6h dậy sớm học Văn. Thời gian tới, dù vẫn giữ 6 buổi học thêm/tuần, em dự kiến thức đêm muộn hơn để học.
"Em đuối thật, nhưng nguyện vọng cũng đã đăng ký, nộp xong rồi, phải học", Huyền nói.
Nhi và Huyền nằm trong khoảng 106.000 thí sinh thi lớp 10 công lập ở Hà Nội năm nay, vào ngày 8-9/6. Ngoài ra, bốn trường THPT chuyên thuộc các đại học ở Hà Nội sẽ tổ chức thi riêng, từ ngày 1 tới 5/6.
Đây thường là giai đoạn mà sự căng thẳng của học sinh lên cao nhất, theo một giáo viên có gần 20 năm kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10. Cô giáo lý giải, hầu hết trường đã hoàn thành việc kiểm tra học kỳ. Thông thường, giờ học buổi chiều sẽ được chuyển sang ôn tập ba môn thi lớp 10. Học sinh cũng đi học thêm, luyện đề, thi thử liên miên.
"Học với cường độ cao, áp lực điểm số từ việc thi thử khiến học sinh căng thẳng", cô giáo này nhận định. Ở lớp của mình, cô cho biết mỗi ngày có 2-5 học sinh xin nghỉ do thức đêm mệt, sáng không dậy được.
Năm nay, tỷ lệ học sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội là 61% trên tổng số tốt nghiệp. Tỷ lệ này như mọi năm, song chỉ tiêu ở hầu hết quận nội thành giảm, có thể khiến sự cạnh tranh ở khu vực này tăng lên.
Học muộn, không đảm bảo giấc ngủ và căng thẳng có thể gây tác dụng ngược, theo bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
"Thời gian nghỉ ngơi là lúc trí nhớ ngắn hạn chuyển sang dài hạn, khi đó kiến thức mới có thể nạp vào đầu. Học quá nhiều có thể khiến các em hay quên. Mà đã quên thì tâm lý lại càng sợ, như vậy là học nhiều, quên nhiều", bác sĩ nói.
Thanh Tùng, quận Hà Đông, gặp tình huống tương tự. Để chuẩn bị cho bài thi thử môn Văn, Tùng đã thức đến 2h sáng để "học rất kỹ". Nhưng chỉ sáng hôm sau, em không thể nhớ ra, cuối cùng nhầm với bối cảnh sáng tác của một tác phẩm khác.
Chia sẻ với áp lực mà học sinh đang đối mặt, song bác sĩ Hằng cho rằng những em học quá nhiều cần điều chỉnh cường độ, nghỉ ngơi hợp lý. Thời gian nghỉ hiệu quả giữa các ca học khoảng 30-60 phút, nửa tiếng ngủ trưa và 4-6 tiếng ngủ đêm, tránh thức quá 1h. Cùng với đó, phụ huynh đồng hành, tích cực nói chuyện để các em giải tỏa căng thẳng, tránh gây thêm sức ép.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng, cho biết để cải thiện trí nhớ, học sinh cần được bổ sung các vitamin nhóm B, có nhiều trong gạo, ngũ cốc, các loại hạt, tim, gan, thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, sữa, trứng...
Ngoài ra, một số khoáng chất tốt cho não, giúp giảm căng thẳng là magie, có trong rau xanh, cá hồi, đậu, mật mía; sắt giúp cải thiện tình trạng thiếu máu lên não, học kém tập trung...
Để việc học hiệu quả, thầy Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, khuyên học sinh không nên tham gia thi thử quá một lần một tuần. Như vậy, các em dễ bị áp lực điểm số nếu kết quả không tốt. Khoảng 10 ngày trước kỳ thi chính thức, các em nên dừng việc thi thử, dành thời gian nghỉ ngơi.
Thầy Cường cũng lưu ý học sinh mỗi khi tự học cần tập trung, tránh xao nhãng bởi các thiết bị điện tử. Điều này khiến thời gian học của các em kéo dài, nhưng hiệu quả không cao.
"Nếu cảm thấy khó khăn ở một môn hay dạng bài tập nào đó, học sinh nên trao đổi với giáo viên để thầy cô hỗ trợ", thầy Cường nói.
Dù bận học, các em vẫn nên dành thời gian trải nghiệm các hoạt động dành cho khối lớp cuối cấp, vừa có thêm kỷ niệm bên bạn bè, thầy cô, lại giúp giải tỏa căng thẳng.
"Học là cả quá trình, không chỉ diễn ra trong một tháng nước rút. Các em nên tin tưởng bản thân, tin tưởng thầy cô giáo, cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi", thầy Cường khuyên.
Thanh Hằng
*Tên thí sinh đã được thay đổi