iPod đã trở thành quá nổi tiếng. Ảnh: Techiediva. |
Động thái này là một phần trong chiến dịch toàn cầu của "Quả táo" nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng từ "pod" một cách tràn lan, biến nó thành một từ phổ thông "không của riêng ai".
*iPod Nano 2G - nghệ sĩ hào hoa |
*iPod Nano mới rẻ hơn phiên bản cũ |
*Mở rộng gia đình iPod và iTunes |
Tại Australia đến nay đã xuất hiện một loạt thương hiệu như mPod, LPod, BPod, ePod và DigiPod. Tất cả đều đã bị Apple đưa vào "tầm ngắm". Những doanh nghiệp không chịu rút bỏ nhãn hiệu kiểu này hoặc sẽ phải đàm phán với Apple hoặc sẽ tốn nhiều tiền giải quyết kiện tụng trước những đòn pháp lý mạnh tay của "Quả táo" Mỹ.
Luke Janssen, Giám đốc điều hành TigerSpike, công ty đăng ký thương hiệu mPod cho dịch vụ phân phối điện thoại di động ở Australia, tuyên bố sẵn sàng "chơi tới bến" với Apple để bảo vệ nhãn hiệu của họ. Janssen phân bua rằng dịch vụ mPod được đăng ký từ năm ngoái và hoàn toàn không liên quan gì đến ngành hàng máy nghe nhạc MP3, do đó không thể gây ra sự nhầm lẫn với người tiêu dùng.
Khác với TigerSpike chọn cách đối đầu, một số công ty khác như hãng Salmat Data Solutions ở Sydney - đăng ký nhãn hiệu ePod tháng trước - lại chọn hướng thương lượng với hy vọng tìm ra giải pháp thỏa hiệp có lợi cả đôi bên.
Dopod là hàng PDA chẳng liên quan gì tới máy nghe nhạc. Ảnh: Portablegadget. |
châu Á, hãng điện thoại và PDA Dopod, có trụ sở ở Singapore, gần đây cũng bị Apple tiếp cận "làm việc" và hai bên đã có những "hiểu biết tích cực" với nhau. "Sẽ không có chuyện nhập nhằng vì Dopod ra đời từ năm 2002 và là một thương hiệu mạnh tại nhiều nước châu Á những năm qua", đại diện của Dopod khẳng định.
Trong khi đó, một công ty có tên Line 6 ở Mỹ đã đăng ký nhãn hiệu với đuôi "pod" từ năm 1999 cho cùng mặt hàng là máy nghe nhạc và họ tin rằng, theo luật ở Australia, họ mới chính là đơn vị đầu tiên sử dụng cá tên này.
Trong khi đó, Apple vẫn miệt mài với việc gửi thư đe dọa các công ty đang có ý định tương tự ở nhiều nước khác, chẳng hạn như thương hiệu Profit Pod (kinh doanh trò chơi giải trí), TightPod (làm vỏ máy tính xách tay), MyPodder (cung cấp dịch vụ chia sẻ file nghe nhìn). Apple thậm chí còn định "xử lý" cả hãng cung cấp hệ thống nhận dạng sinh trắc Securipod ở Anh.
Podcast thuộc danh sách thuật ngữ. Ảnh: Podcast. |
Các động thái của Apple đã khiến nhiều người lo ngại rằng ngay cả những thuật ngữ liên quan đến trào lưu trao đổi file nghe nhìn trên Internet (podcast) cũng sẽ trở thành đối tượng bị khiếu nại. Tuy nhiên, tạp chí Wired gần đây cho biết Cục thương hiệu và tác quyền Mỹ đã xếp "podcast" vào danh sách các thuật ngữ mang nghĩa ứng dụng chung nên sẽ không có chuyện pháp nhân nào đòi độc quyền sở hữu.
Chưa rõ kết quả chiến dịch bảo vệ thương hiệu của Apple sẽ đi đến đâu nhưng thực tế này cho thấy các hãng kinh doanh hàng công nghệ lớn hiện nay dường như đang rất nghiêm túc và mạnh tay trong việc ngăn chặn xu hướng "công cộng hóa" một số thương hiệu mạnh. Hãng dịch vụ trực tuyến khổng lồ Google gần đây cũng đã yêu cầu các đơn vị truyền thông ngừng sử dụng thuật ngữ "googling" một cách đại trà khi ám chỉ hành động tìm kiếm thông tin.
(Theo VnExpress)