Lúc ra biển, Hương đứng giữa phao tròn để tắm. Em mải chơi, không để ý mình đã trôi khỏi tầm tay của bố mẹ từ lúc nào. Chỉ đến khi chân không còn chạm được tới cát, em mới nhận thấy mình đã bị sóng đẩy ra xa.
Mỏi tay, Hương tuột khỏi phao và bị sặc nước. "Trong lúc hoảng sợ và tuyệt vọng, em bám vào tay một chú bơi gần đó và được nhấc lên", nữ sinh nhớ lại.
Ngay sau chuyến đi, mẹ đăng ký cho Hương học bơi. Bây giờ, Hương đã thành thục nhiều kiểu bơi. "Ở trường học, em chỉ được dạy kiến thức lý thuyết về phòng, chống đuối nước. Trong khi việc thành thạo kỹ năng mới là quan trọng", Hương nói.

Sinh viên bơi ở Hồ Đá, khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM (TP Dĩ An, Bình Dương) - nơi từng xảy ra hàng chục tai nạn đuối nước - năm 2017. Ảnh: Mạnh Tùng
Tiến Minh, quê Thanh Hóa, hiện là sinh viên năm ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng từng suýt chết, dù cậu biết bơi. Nhà gần biển, biết bơi từ nhỏ nên Minh thường tự tin, bơi rất xa bờ mỗi khi tắm biển. Bạn bè, dù biết bơi hay không, cũng thường theo Minh vì tin tưởng cậu. Trong một lần tắm biển, Minh và bạn đi ra đến đoạn nước ngang ngực, không dùng phao.
Đột nhiên, Minh cảm nhận được dòng nước rút, khiến cát dưới chân cậu lõm một hố sâu. Minh bước hụt, lập tức bị dòng nước ngầm cuốn ra xa. Cạnh đó, bạn cậu bắt đầu ngụp lặn và sặc nước.
"Cố bơi ngược dòng nước vào bờ sẽ rất nhanh mệt", Minh nghĩ. Trong tích tắc, cậu cố rướn chân chạm cát, kéo người bạn bên cạnh bước thật nhanh qua đoạn nước xoáy, sau đó bơi vào bờ.
Sau lần "chết hụt", Minh hiểu rằng ngay cả khi biết bơi, kỹ năng xử lý khi gặp tai nạn cũng quan trọng không kém. "Mình tự học bơi, không qua trường lớp nên gặp sự cố chỉ xử lý theo bản năng, trong khi những tình huống như vậy lại rất cần kinh nghiệm, kỹ năng bài bản", Minh nói.
Hương và Minh là những trường hợp may mắn thoát nạn trong gang tấc khi đi bơi. Hàng năm, những vụ tai nạn đuối nước vẫn liên tục xảy ra, chủ yếu ở trẻ em.
Ngày 11/4, ba học sinh lớp 4, 5 và 8 ở Đăk Lăk bị chết đuối khi đi bắt ốc ở ao. Cơ quan chức năng nhận định một em bị trượt chân, hai em còn lại ra cứu và cùng bị đuối nước.
Ngày 5/4, năm nữ sinh lớp 6 THCS Thiệu Duy, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá tử vong khi tắm sông. Trước đó một ngày, bốn nữ sinh THCS Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu đuối nước khi chơi đùa ở hồ thuỷ lợi Suối Các.
Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 2-15. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 5 đến 9/2021, cả nước xảy ra 54 vụ đuối nước làm 89 trẻ tử vong. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng với hơn 76%, tại gia đình 22% và hơn 1% xảy ra tại các trường học.
Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận tử vong do đuối nước xảy ra nhiều hơn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước mỗi năm ở Việt Nam - cao hơn các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cuối năm 2020.

Hồ Suối Các, nơi bốn học sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị đuối nước. Ảnh: Thuận Nguyễn
Gần 30 năm giảng dạy, tập huấn môn bơi lội, TS Nguyễn Thị Hiền Thanh, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao, Giáo dục quốc phòng (Đại học Hoa Sen) cho rằng, kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước của người Việt Nam nói chung, đặc biệt trẻ em rất thấp. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến số vụ tử vong do đuối nước vẫn ở mức cao.
Từng dạy bơi lội ở một số trường phổ thông, bà Thanh nhận định, nhiều nơi xem nhẹ kiến thức, kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước. Trong chương trình giảng dạy giáo dục thể chất, nhiều trường không có môn bơi. Chưa kể, cơ sở vật chất để dạy bơi tại trường học, cộng đồng còn thiếu nên các trường cũng lực bất tòng tâm.
Nhận định trên tương đồng với thống kê của Cục Trẻ em cuối năm 2020: khoảng 70% trẻ trong độ tuổi 6-14 không biết bơi. Còn theo tài liệu giáo dục phòng tránh đuối nước ban hành tháng 12/2021, Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định, nhiều học sinh hiện thiếu kiến thức, kỹ năng để đánh giá, nhận định các nguy cơ đuối nước khi vui chơi, lao động hoặc đi bơi, tắm ở các vùng nước tự nhiên, vùng nước mở.
Các em chưa nhận biết được vị trí an toàn để bơi, đa phần hành động ngẫu hứng. Nhiều học sinh biết bơi, thậm chí bơi giỏi vẫn tử vong do đuối nước bởi thiếu kiến thức, kỹ năng chủ động phòng tránh, không biết tự cứu đuối an toàn.
TS Hiền Thanh cho rằng, việc dạy bơi, phòng đuối nước cho trẻ cần tập trung vào hai mục tiêu: trẻ biết tự bảo vệ mình và giúp được người khác.
Theo đó, khi bơi, trẻ phải tránh các vùng nước xoáy, vùng biển nguy hiểm, biết cách xử lý khi gặp các tình huống bất ngờ; thành thạo các kỹ năng an toàn để cứu mình trước những rủi ro. Ngoài ra, trẻ nên được học cách bơi để cứu người gặp nạn.
Để một học sinh, sinh viên có được hai kỹ năng trên ở mức cơ bản, cần tối thiểu 8-10 buổi học. Theo bà Thanh, ngành giáo dục cần đặt mục tiêu 100% trẻ biết bơi, xem đây là tiêu chí bắt buộc của chương trình giáo dục.
Nhóm phóng viên