Lần xuống đường này khác lần ra quân rầm rộ vào tháng 3 với lý do được đưa ra là “vỉa hè bị tái lấn chiếm trở lại khi vắng bóng lực lượng chức năng”. Lý do này nhiều người đã dự đoán trước, nhưng dường như ông Hải chưa có giải pháp.
Ông Hải đã đánh giá đúng, vỉa hè bị tái chiếm là do cán bộ cấp dưới không quyết liệt. Ông đề xuất được quyền xử cán bộ cấp dưới thì vỉa hè mới được dẹp triệt để. Tuy nhiên, với đặc điểm đô thị Việt Nam, dẹp vỉa hè không đơn giản là dẹp mà bản chất là phải sắp xếp. Hội An từng làm như vậy.
Tháng 3 năm nay, tôi gặp ông Nguyễn Sự ở quán cà phê quen thuộc mà ông và bạn bè về hưu hay ngồi vào mỗi sáng. Chưa kịp đề cập đến câu chuyện vỉa hè sôi động các mặt báo lúc ấy, thì ông Sự chia sẻ ngay. Ông nói TP HCM rồi Hà Nội thiết lập lại vỉa hè là điều vui, cần phải ủng hộ, bởi tình trạng lôi thôi ở các đô thị không thể để kéo dài thêm nữa. Rồi ông kể, cách đây 20 năm, Hội An cũng bắt đầu chiến dịch thiết lập vỉa hè như TP HCM bây giờ. Khi ấy Hội An nhỏ, nhưng cũng gặp bao nhiêu là trở ngại. Ông bảo, trước áp lực mà ông Hải - Quận 1 gặp phải bây giờ, ông rất đồng cảm. Ông biết, ông Hải có nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có nhiều ánh mắt soi mói, thậm chí nghĩ là ông bày đặt “làm màu”.
Ngày ông Sự dọn vỉa hè, cũng có người đòi đốt nhà Nguyễn Sự vì ông đụng vào chén cơm của họ. Nhưng sau đó, Hội An làm được, ông Sự vượt qua sức ép và nhận được sự đồng thuận. Mấu chốt của sự thành công trong chiến dịch thiết lập vỉa hè của Hội An là phương pháp thực hiện.
Thay vì đuổi bắt, ra quân theo đợt, để rồi hết chiến dịch đâu lại vào đó, thì Hội An đề ra cả một chương trình hành động dài hơi. Không chỉ có người đứng đầu trực tiếp xử lý, mà cả hệ thống chính quyền từ tổ dân phố, phường xã cùng làm. Giải pháp giữ vỉa hè sau khi dọn dẹp được xem là yếu tố quyết định của cả chiến dịch. Ông Sự quả quyết, không làm như thế Hội An không bao giờ quản lý được vỉa hè như bây giờ. Cũng như TP HCM, Hà Nội hay bất kể đô thị nào ở đất nước này, sẽ không bao giờ dọn dẹp được vỉa hè nếu chỉ đuổi bắt.
Ai đến Hội An để ý sẽ thấy, trên vỉa hè có một vạch đỏ bằng sơn. Đó là ranh giới, trong vạch là vỉa hè trước mỗi nhà và ngoài vạch là vỉa hè bất khả xâm phạm của người đi bộ. Cái vạch đỏ ấy đã tồn tại gần 20 năm và giờ đã ăn vào cuộc sống của người Hội An. Để cái vạch sơn đỏ ấy không bị vô hiệu chừng ấy thời gian, Hội An phải dùng phương pháp tương tự cách ông Bá Thanh xóa ăn xin ở Đà Nẵng.
Đó là việc tuyên truyền cho người dân, rà soát toàn bộ cư dân sống dọc vỉa hè, ai kiếm sống bằng vỉa hè để sắp xếp hợp lý hợp tình. 40 điểm bán hàng rong được quy hoạch để người buôn gánh bán bưng vẫn có thể bán hàng kiếm sống. Những gia đình buôn bán trên vỉa hè trước nhà được quy định bán theo giờ, nhưng phải trong vạch đỏ. Mỗi hộ chịu trách nhiệm quản lý vỉa hè trước cửa nhà. Ai sai phạt thật nặng, phạt nghiêm khắc. Rõ ràng, minh bạch, hợp lý, không tác động đến sinh kế nên thói quen lấn chiếm vỉa hè tự nhiên bị triệt tiêu.
Mấy năm gần đây, Hội An áp dụng phố đi bộ, vạch sơn vỉa hè ở nhiều khu vực chỉ còn ý nghĩa khi không có lệnh cấm xe. Nhưng việc quản lý vỉa hè của Hội An thì vẫn nguyên vẹn. Chính quyền cũng chẳng bao giờ đi dẹp lấn chiếm vỉa hè như bao nhiêu đô thị khác nữa.
Có thể Hội An không giống nhiều nơi khác, nhưng không làm như Hội An thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ dọn dẹp được vỉa hè đô thị. Vỉa hè chỉ gọn gàng, quy củ khi nó được quản lý khoa học và phải hợp cả tình.
Nếu chỉ dừng lại ở đuổi bắt, vỉa hè sẽ trở thành một chiến địa diễn ra trò cút bắt dai dẳng, mệt mỏi giữa chính quyền và những người dân vô sinh kế.
Đào Phan Anh Tuấn