Theo khoản 1 Điều 17 Bộ luật Dân sự về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Điều 123 Bộ luật này quy định giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định; Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự quy định đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu (sung ngân sách nhà nước) mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Đối chiếu các quy định nói trên với trường hợp của bạn thì có thể thấy, nguồn gốc số tiền người bạn trả cho bạn do phạm tội mà có (bất hợp pháp) nên giao dịch (trả nợ) này bị vô hiệu.
Nói cách khác bạn không phải là chủ sở hữu số tiền đó. Trường hợp được cơ quan điều tra mời lên làm việc, bạn nên chủ động giao nộp lại số tiền được để cơ quan điều tra trả lại cho chủ sở hữu (bị hại).
Lưu ý: Việc giao nộp chỉ thực hiện tại trụ sở cơ quan điều tra và phải được lập thành biên bản. Đối với số tiền đã cho vay, bạn có quyền khởi kiện người vay để đòi lại trong một vụ án dân sự khác.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội