Ở miền Bắc California, thống kê sơ bộ, số dược sĩ gốc Việt hành nghề lên tới khoảng 400 người và con số đó ở Nam California là tương đương.
Có được tấm bằng hành nghề dược sĩ ở Mỹ không đơn giản. Trường hợp của bà Loan Vũ, Giám đốc về pharmacy tại bệnh viện Riddle Memorial trong thị trấn Media, bang Pennsylvania, là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp Trung học tại Mỹ, bà Loan Vũ đã phải theo đuổi chương trình học đại học kéo dài tới 6 năm mới có được tấm bằng này.
Nếu là những người đã có bằng dược sĩ tại nước khác, trong đó có Việt Nam, muốn hành nghề tại Mỹ, người ta phải trải qua một kỳ thi. Sau khi đạt yêu cầu, họ phải trải qua hàng nghìn giờ (mỗi bang có thể có những quyi định khác nhau, tại bang Florida, con số này là 2.000 giờ) thực tập dưới sự giám sát của một dược sĩ có bằng thực thụ.
Hoàn tất quá trình thực tập, thí sinh còn phải trải qua một cuộc thi lấy bằng hành nghề của tiểu bang. Khi đó, người ta mới có thể trở thành dược sĩ theo đúng nghĩa. Những người đã có bằng có thể trở thành dược sĩ tại Mỹ theo một con đường khác, đó là đăng ký học lại chương trình dược tại đại học Mỹ. Tuỳ nơi, tuỳ trường, nhưng thường thì họ được miễn 2 năm dự bị dược, và thời gian học rút ngắn xuống còn 3 hay 4 năm. Sau đó phải thi lấy bằng hành nghề của tiểu bang mới chính thức trở thành dược sĩ.
Hầu hết người Việt đến Mỹ, sau khi có được tấm bằng hành nghề dược, đều chọn cho mình con đường trông coi những phòng dược lẻ. Những người này có trách nhiệm cung cấp thuốc cho bệnh nhân theo đơn thuốc của bác sĩ. Người ta cũng có thể có được một vị trí trong bệnh viện, với tư cách dược sĩ trong dược phòng.
Tại California, lương của dược sĩ xê dịch từ 50 đến 60 USD cho mỗi giờ làm việc. Nếu làm việc từ giờ thứ 41 trở đi, lương sẽ được tăng lên gấp rưỡi theo mỗi giờ. Hiện tại, nước Mỹ vẫn đang thiếu dược sĩ, bởi thế, hành nghề dược có thu nhập khá cao và là công việc khá hấp dẫn.
(Theo Đại Đoàn Kết)