Những hình ảnh về đầm nước nóng Blue Lagoon và bãi cát đen ở Iceland từng thống trị các trang mạng xã hội. Hiện tại, chúng nhường chỗ cho những bức ảnh đầy màu sắc của núi Phú Sĩ và các video về khỉ tuyết tắm suối nước nóng ở công viên Jigokudani, Nhật Bản.
"Nhật Bản đã trở thành nơi phải đến, đặc biệt đối với khách hàng trẻ tuổi", Katherine Flynn, chuyên gia lập kế hoạch du lịch tại công ty Fora, trụ sở tại New York, nói. Flynn nói thêm đây là một trong số ít điểm đến khách hàng sẽ gửi cả đường link TikTok khi điền vào biểu mẫu các hoạt động "phải làm" của họ.
Năm 2024, lượng du khách đến Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục gần 37 triệu người, tăng 47% so với năm 2023 và tăng 15% so với năm 2019. Riêng số lượng người Mỹ đến Nhật Bản trong tháng 12 đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu sơ bộ từ chính phủ Nhật Bản.
![Biển cảnh báo những hành động xấu của du khách tại Kyoto. Ảnh: Jiji](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/16/2655590-1739679685-5683-1739680013.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dWbM0QLiqhbMGqHuWoPclQ)
Biển cảnh báo những hành động xấu của du khách tại Kyoto. Ảnh: Jiji
Cơn sốt du lịch này một phần do đồng yen suy yếu, giúp Nhật Bản - từng được coi là điểm đến đắt đỏ - trở nên hợp túi tiền hơn. Lauren Joory, cố vấn khác tại Fora, cho biết vị thế mạnh của đồng USD so với đồng yen, cùng việc Nhật Bản đóng cửa biên giới trong vài năm sau đại dịch, đã khiến du khách Mỹ càng háo hức hơn với đất nước này.
Tương tự, cơn sốt du lịch Iceland cũng bùng nổ sau một cuộc khủng hoảng kinh tế và thậm chí còn giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng. Dù khách du lịch có thể mang đến sự khởi sắc cho nền kinh tế, họ cũng có thể kéo theo những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến quá tải du lịch - điều mà một số địa phương ở Nhật Bản đang phải đối mặt.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng krona của Iceland sụt giảm mạnh, kéo theo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán nước này. Hàng nghìn người mất nhà cửa và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Hai năm sau đó, núi lửa Eyjafjallajokull phun trào, gây gián đoạn giao thông hàng không châu Âu, tình trạng khó khăn ở Iceland càng trầm trọng. Tuy nhiên, quốc gia này cũng bắt đầu nhận sự chú ý từ du khách toàn cầu.
Du khách bị thu hút bởi đồng krona yếu và những chiến dịch tiếp thị sáng tạo của các hãng hàng không giá rẻ, đã đổ về Iceland. Số lượng du khách hàng năm đến Iceland đã tăng 328% trong giai đoạn năm 2010-2019.
"Du lịch cực kỳ quan trọng trong việc giúp Iceland phục hồi sau khủng hoảng và trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất của quốc gia" Sigriour Dogg Guomundsdottir, khi đó là người đứng đầu Visit Iceland, nói vào năm 2022.
Giờ đây, Nhật Bản đang đối mặt với những thách thức kinh tế của riêng mình, bao gồm đồng yen yếu, lạm phát cao và GDP suy giảm. Đất nước này cũng đang phải vật lộn với tình trạng dân số già hóa, tỷ lệ sinh thấp và thiếu lao động.
"Du lịch là giải pháp nhanh chóng cho nhiều quốc gia gặp khó khăn", Alan Fyall, Giáo sư ngành Tiếp thị du lịch tại Đại học Trung tâm Florida, nhận định. Tác động của du lịch mạnh mẽ nhưng quốc gia cũng cần biết cách quản lý nó.
Năm 2019, trang tin du lịch Skift gọi Iceland là "hình mẫu cho cả tác động tích cực lẫn tiêu cực của hiện tượng quá tải du lịch". Việc du lịch bùng nổ quá nhanh đã dẫn đến tình trạng đông đúc tại các điểm nóng; hành vi thiếu chuẩn mực của du khách; áp lực lên cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên; giá cả tăng cao cho cả người dân địa phương lẫn du khách và cả sự phụ thuộc quá mức vào du lịch.
![Các maiko ném đậu trong lễ hội ở Kyoto. Ảnh: Nippon](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2025/02/16/84334-1739679843-5665-1739680013.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FZXIPKltmjR9Sbop_vHpYg)
Các maiko ném đậu trong lễ hội ở Kyoto. Ảnh: Nippon
Nhật Bản lớn hơn nhiều so với Iceland về diện tích, dân số và GDP nhưng nước này cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự. Masaru Takayama, chủ tịch Liên minh các công ty du lịch có trách nhiệm Nhật Bản, cho biết Kyoto - nơi ông sống - đã trở thành "thủ đô của quá tải du lịch". Người cao tuổi ở đây có thể đi xe buýt, tàu điện ngầm miễn phí nhưng giờ họ còn không có chỗ ngồi.
Các doanh nghiệp địa phương cũng đã thay đổi để phục vụ khách du lịch. Những nhà hàng yêu thích của ông ở gần nhà hiện rất khó để đặt bàn vì có hàng dài khách du lịch đã giữ chỗ cả tháng. Giá cả tăng cao, thực đơn cũng thay đổi để hợp khẩu vị khách nước ngoài.
"Chúng tôi vẫn nhìn thấy những địa điểm đó nhưng không thể vào được", ông nói.
Tình trạng cho thuê nhà ngắn hạn cũng đẩy giá thuê và thuế nhà ở lên cao, ảnh hưởng đến những người dân không làm việc trong ngành du lịch.
Nhật Bản đã thực hiện một số biện pháp để kiểm soát du lịch. Năm ngoái, Kyoto cấm du khách đi vào một số con hẻm trong khu phố geisha Gion sau những lời phàn nàn về hành vi thiếu tôn trọng. Fujikawaguchiko - thị trấn gần núi Phú Sĩ - dựng rào chắn để ngăn du khách đến một điểm chụp ảnh nổi tiếng sau khi cư dân địa phương than phiền. Nhật Bản cũng áp dụng quy định và thuế du lịch mới đối với việc leo núi Phú Sĩ để giảm tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nhật Bản nên có cách tiếp cận chủ động thay vì phản ứng bị động trước vấn đề quá tải du lịch.
Iceland, sau đại dịch, đã chuyển sang chiến lược du lịch bền vững bằng cách áp dụng thuế du lịch, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, đường đi bộ và khuyến khích du khách khám phá những khu vực ít nổi tiếng hơn.
Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản cũng nên làm như vậy, gợi ý nước này có thể áp dụng các chiến dịch nâng cao nhận thức cho du khách, như Palau Pledge - cam kết bảo vệ môi trường và văn hóa mà khách du lịch phải ký khi đến Palau. Hoặc như Thái Lan, nước đã tích cực quảng bá các điểm đến ít đông đúc hơn như Chiang Mai thay vì chỉ tập trung vào Bangkok hay Phuket.
Hoài Anh (Theo Business Insider)