Trong 5 năm gần đây, Dược Hậu Giang liên tiếp dẫn đầu trong cuộc đua đổi mới công nghệ, con người và chất lượng quốc tế, đóng góp vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu một tỷ USD dược phẩm trong năm 2030. Theo đại diện Dược Hậu Giang, công ty vẫn kiên trì với kế hoạch trở thành "con chim đầu đàn" đưa ngành dược phẩm Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Sứ mệnh của người dẫn đầu
Đại diện Dược Hậu Giang cho biết, năm 2021 hội tụ đầy đủ các điều kiện, là thời cơ để công ty thực hiện tham vọng trở thành người dẫn đầu trong ngành dược phẩm khu vực. Không chỉ nằm trong top đầu về doanh thu, thị phần, năng lực sản xuất của ngành dược trong 23 năm liên tiếp, Dược Hậu Giang còn là một trong hai công ty dược Việt Nam nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dược phẩm Việt Nam, theo Vietnam Report.
"Sứ mệnh của chúng tôi là mở đường cho ngành dược Việt Nam ra thế giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực", đại diện Dược Hậu Giang cho biết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Theo Dược Hậu Giang, ngoài 15 thị trường quốc tế hiện hữu, công ty đang chuẩn bị các giấy tờ phù hợp luật pháp các nước sở tại để gia nhập vào những thị trường khó tính mới.
"Đây không chỉ là bài toán gia tăng thị phần, góp phần hiện thực hóa mục tiêu một tỷ USD xuất khẩu thuốc đến 2030 của ngành, mà còn là câu chuyện quốc gia khẳng định vị trí thuốc Việt trên thế giới", đại diện Dược Hậu Giang nhận định.
Cụ thể, Nhật Bản sẽ là thị trường khó tính đầu tiên Dược Hậu Giang tiếp cận, nhờ sự hậu thuẫn đắc lực từ công ty cổ đông chiến lược Taisho. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác nhằm giảm rủi ro ở khâu nguyên liệu đầu vào, tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu.
Bằng cách huy động tối đa mọi nguồn lực, Dược Hậu Giang kỳ vọng tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong dẫn đầu với chất lượng quốc tế Japan GMP trong thập kỷ mới, hứa hẹn tạo ra bước ngoặt cho sản phẩm dược trong nước, tăng cường vị thế của ngành dược Việt Nam trên thế giới.
Bức tranh ngành dược năm 2021
Dù Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở quy mô toàn cầu, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% trong năm 2021. Các tổ chức tài chính, ngân hàng hàng đầu trên thế giới cũng lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng GDP của Việt Nam nói riêng.
Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay có thể đạt 6,5% nhờ nền tảng vững vàng và giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,3% trong năm 2021. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá con số này có thể lên đến 6,8%.
Riêng ngành dược, theo đánh giá của Dược Hậu Giang, triển vọng tương lai sẽ tươi sáng hơn do nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã hồi phục. Trong giai đoạn 2020-2025, ngành dược Việt Nam được dự đoán sẽ nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định trên thế giới.
Hãng nghiên cứu thị trường IBM cũng dự báo, quy mô toàn ngành dược phẩm của Việt Nam có thể đạt 7,7 tỷ USD năm 2021 và lên đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Tỷ lệ tăng trưởng kép có thể đạt 11%. Còn theo dự báo của tổ chức IQVIA, tổng giá trị dược phẩm tiêu thụ ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, ước đạt 123,6 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 8% so với cùng kỳ 2020). Ước tính tiêu dùng cho y tế sẽ trở lại mức bình thường vào năm tới, khi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng và nhu cầu khám bệnh của người dân tăng trở lại.
Bên cạnh nhu cầu y tế từ thị trường, năm 2021 còn đánh dấu sự gia tăng vị thế cho ngành dược phẩm Việt Nam trên trường quốc tế. Cơ sở chính cho nhận định này, theo Dược Hậu Giang, là lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết trong năm 2020, bao gồm cả EVFTA, RCEP và UKVFTA.
"Mức thuế thấp hơn và khả năng tiếp cận các thị trường chính rộng mở sẽ mang lại lợi thế cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, từ đó đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu của họ", đại diện Dược Hậu Giang đánh giá.
VIRAC và EvaluatePharma còn cho biết tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2026 của thị trường thuốc thế giới là khoảng 7,4%, doanh số năm 2026 đạt 1,39 tỷ USD, vượt hơn nhiều so với tỷ lệ 2,7% trong giai đoạn 2012-2019. Đây chính là dư địa cho những nhà cung ứng mới, trong đó có Việt Nam, giúp gia tăng sự đóng góp của mình vào thị trường toàn cầu.
Trong chương trình phát triển công nghiệp dược trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Chính phủ Việt Nam cũng đề ra mục tiêu xuất khẩu thuốc đạt giá trị một tỷ USD đến năm 2030, toàn ngành dược sẽ đóng góp 20 tỷ USD vào GDP cả nước đến năm 2045.
Hà Thanh (Ảnh: Dược Hậu Giang)