Covid-19 mang đến nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành dược khi tình trạng khan hiếm nguyên liệu do dịch kéo dài, sản xuất gián đoạn, phân phối gặp trở ngại do lệnh giãn cách... Tuy nhiên, Dược Hậu Giang vẫn đảm bảo nguồn cung ứng, sản xuất, phân phối thuốc chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng.
Giữa cao điểm đợt dịch thứ 4, nếu nhiều công ty khác phải "ngủ đông" vì giãn cách kéo dài, Dược Hậu Giang duy trì nhịp độ sản xuất. Năng suất ổn định khi chủ động thực hiện sớm nhất phương án 3 tại chỗ "vừa cách ly, vừa sản xuất".
Khác biệt của Dược Hậu Giang khi thực hiện "3 tại chỗ" còn nằm ở kế hoạch sản xuất xây dựng dựa trên các nguyên tắc BCP (Business Continuity Plan - Kế hoạch Kinh doanh Liên tục). Các phân xưởng chủ động lựa chọn thiết bị máy móc phù hợp, phân chia nguồn lực thành 2 team A và B để luân phiên thay thế nhau, duy trì sản xuất chủ động, kịp thời. Hai dây chuyền viên nén, viên nén bao phim đạt tiêu chuẩn Japan-GMP. Dây chuyền hoạt động liên tục 3 ca với kế hoạch sản xuất tối ưu nhằm giảm giờ chuyển đổi sản phẩm, khai thác triệt để công suất nhà máy.
Phòng Mua Hàng cũng trở thành mắt xích năng động nhất công ty khi liên tục trao đổi với mọi phòng ban, nhà cung cấp, linh hoạt biện pháp dự trữ nguồn nguyên liệu đáp ứng dòng chảy BCP. Cùng với đó, phòng Bán Hàng khi nỗ lực tương tác với mạng lưới 30.000 nhà thuốc đại lý (chiếm hơn 50% nhà thuốc bán lẻ cả nước) khắp 64 tỉnh thành, trên mọi kênh zalo, Facebook..., thích ứng ngay khi lệnh giãn cách xã hội, cấm ra đường sau 18h được ban bố khắp nơi.
Ngoài kênh nhà thuốc, Dược Hậu Giang cũng tăng phục vụ người tiêu dùng kênh bệnh viện với danh mục "100 sản phẩm Japan-GMP". Japan-GMP (Nhật Bản) sánh ngang với tiêu chuẩn EU-GMP (châu Âu) và US-FDA (Mỹ), đưa hàng loạt sản phẩm Dược Hậu Giang tăng hạng từ nhóm thầu N4 (Thuốc đạt WHO-GMP) lên N2 (Thuốc đạt Japan-GMP) và N3 (Thuốc tương đương sinh học đạt GMP).
Điều này cho thấy, các sản phẩm có tính khoa học cao hơn, chất lượng, mang đến cho người dùng cơ hội sử dụng thuốc tốt với giá phải chăng. Các sản phẩm nổi bật trúng gói thầu tiêu chuẩn cao gồm dòng giảm đau hạ sốt Hapacol, kháng sinh Clabact và Zaromax, thần kinh Neni, dạ dày Raxium, tim mạch Vastec, kháng dị ứng Telfor, sổ giun Fubenzon... trở thành thuốc kê đơn đầu tay của chuyên gia, bác sĩ.
9 tháng đầu năm, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần 2.910 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 675 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 14% và 15% so với cùng kỳ năm trước.
Thuốc chất lượng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lớn trong điều trị tại các cơ sở y tế, được cung ứng hỗ trợ cho cộng đồng suốt mùa dịch. Chỉ tính riêng đợt dịch thứ 4, Dược Hậu Giang đã tặng 10 triệu viên Hapacol 650 đồng hành cùng người dân tiêm vaccine. Ngoài chất lượng Japan-GMP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, sản phẩm này có ưu điểm về hàm lượng 650 mg paracetamol phù hợp với thế trạng người Việt.
Các sản phẩm vitamin tăng sức đề kháng Bocalex, gel rửa tay khô Bioskin... cũng hiện diện trong loạt chiến dịch bảo vệ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, chăm sóc sức khỏe cộng đồng thời gian qua. Những chương trình này giúp giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống y tế thúc đẩy người tiêu dùng tìm hiểu, trải nghiệm sản phẩm đến từ Dược Hậu Giang.
Hơn 100 thuốc chất lượng cao thương hiệu Dược Hậu Giang đến tay người tiêu dùng theo nhiều kênh khác nhau từ nhà thuốc, bệnh viện, chương trình hỗ trợ cộng đồng... Doanh nghiệp tiến hành lấy ý kiến đánh giá người tiêu dùng. Kết quả cho thấy người dân hiểu hơn về tiêu chuẩn chất lượng Japan-GMP, gia tăng mức độ yêu thích, khả năng lựa chọn sản phẩm trong nước. Việc các chuyên gia, bác sĩ đánh giá cao sản phẩm Japan-GMP ở góc độ chuyên môn càng củng cố hơn nữa lòng tin người dùng.
Dựa trên phản hồi tích cực của chuyên gia, người tiêu dùng, doanh nghiệp đặt mục tiêu sẽ mở rộng hơn danh mục sản phẩm, dây chuyền sản xuất tân tiến đạt Japan-GMP, mang thuốc chất lượng cao đến phục vụ người Việt.
Lê Nguyễn