Theo báo cáo của SSI Research, từ đầu năm 2022, ngành dược phẩm Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng tích cực. Dự báo, tăng trưởng doanh thu toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 11% so với cùng kỳ, phục hồi gần về mức trước Covid.
Báo cáo của ReportLinker phát hành vào tháng 3 năm nay cho thấy, thị trường dược phẩm toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ quy mô hơn 1.450 tỷ USD vào năm 2021 lên gần 1.590 tỷ USD vào năm 2022, tương đương tốc độ 9,1%.
Theo đại diện công ty Dược Hậu Giang, triển vọng của thị trường dược phẩm trong và ngoài nước không nhỏ đối với các nhà sản xuất. Với những thuận lợi này, nếu có chiến lược đầu tư phát triển dài hạn, các doanh nghiệp không chỉ giữ vững thị trường nội địa mà còn tạo đà để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Dược Hậu Giang đầu tư nghiêm túc và bài bản để nắm bắt cơ hội.
Dược Hậu Giang với mục tiêu cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và an toàn để bảo vệ sức khỏe người dùng. Đại diện Dược Hậu Giang chia sẻ thêm, các năm qua, công ty đặt trọng tâm vào các sản phẩm Non Betalactam và cung cấp những sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, với phạm vi chủ yếu là thị trường trong nước.
Mới đây nhất, hôm 9/7, công ty đã chính thức khởi công xây dựng thêm nhà máy Betalactam tại tỉnh Hậu Giang. Dự án kỳ vọng mang lại nhiều tác động và đóng góp cho ngành dược, người tiêu dùng và cả người lao động.
Nhà máy Betalactam mới của Dược Hậu Giang sẽ củng cố năng lực cung ứng nhóm thuốc Betalactam nội địa về số lượng lẫn chất lượng cho thị trường với giá cả phù hợp.
Nhà máy Betalactam được xây dựng trên tổng diện tích dự án khoảng 6 hecta. Thiết kế bao gồm các dây chuyền sản xuất: dây chuyền viên nén không bao phim; dây chuyền viên nén bao phim; dây chuyền viên nang cứng; dây chuyền thuốc bột pha hỗn dịch uống; dây chuyền thuốc cốm pha hỗn dịch uống. Nhà máy sẽ sản xuất hơn 70 sản phẩm thuộc 10 dòng sản phẩm chủ lực. Dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động vào 2024, nhà máy mới có công suất thiết kế gần gấp đôi nhà máy hiện tại, khoảng một tỷ đơn vị sản phẩm mỗi năm.
Ông Tomoyuki Kawata, Phó tổng phụ trách sản xuất, Chuỗi Cung ứng và Chuyển giao Công nghệ Dược Hậu Giang, trong thời gian tới, Dược Hậu Giang tiếp tục nâng cấp dây chuyền cácsản phẩm Betalactam và nâng cao hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn toàn cầu. Qua đó không chỉ đẩy mạnh thị trường trong nước mà Dược Hậu Giang còn đặt mục tiêu tăng cường hoạt động xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Nhà máy Betalactam mới của Dược Hậu Giang đặt mục tiêu giúp người tiêu dùng gia tăng cơ hội sử dụng các sản phẩm nội địa giá hợp lý nhưng vẫn đảm bảo chất lượng toàn cầu, là môi trường đầu tư, mở rộng sản xuất tại tỉnh Hậu Giang. Nhà máy cũng sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tìm kiếm việc làm gia tăng sau đại dịch.
Trong năm 2021, dù ảnh hưởng của Covid-19, Dược Hậu Giang vẫn hoàn thành kế hoạch năm. Những kết quả này phần nào phản ánh định hướng của công ty trong việc nỗ lực đầu tư không ngừng để góp phần nâng cao chất lượng ngành dược, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo thông tin của Dược Hậu Giang, năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.220 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 853 tỷ đồng. Kết thúc quý II, công ty đã đạt 51,8% về kế hoạch doanh thu và 64,1% về kế hoạch lợi nhuận. Với những kết quả đã đạt được, Dược Hậu Giang được vinh danh "Top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2022". Danh sách này xếp hạng từ việc lựa chọn các công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất, đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đây cũng là lần thứ 10, công ty nhận danh hiệu này.
Kim Uyên