Sáng 21/2, nhằm đúng lễ Nguyên tiêu, Ban tổ chức trải thảm đỏ từ cổng Văn Miếu đón người yêu thơ. Nhưng khoảng 200 chiếc ghế con, nhum nhúm trên sân Thái miếu chẳng thấm tháp vào đâu so với hàng nghìn người xem đổ về Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong ngày hội lớn. Vài phút trước khi khai mạc, đứng xem chẳng đặng, các cụ già cả chen lấn vào lối đi rồi nhất quyết ngồi phệt xuống sàn, bất chấp Ban tổ chức năn nỉ: "Xin các bác nhường đường để rước kiệu thơ". Ngày thơ Việt Nam 2008 khai cuộc trong âm vang của Cảm hoài (Trần Quang Khải) và những vần thơ khác, ngợi ca non sông đất nước.
Kiệu thơ nhọc nhằn chen chân với khán giả. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chỉ chờ cho cha anh trống giong cờ mở, các tác giả trẻ cũng "hắng giọng" cất lời trên sân Thái học. Không bị tản mát vì trồng quá nhiều cây thơ, dựng lắm xóm thơ như năm trước, sân trẻ năm nay hút mọi chú ý của khán giả về một phía - sân khấu trình diễn thơ. Sau những lời giới thiệu ngắn gọn về mối "lương duyên" giữa thơ ca với các loại hình nghệ thuật, hai MC Hữu Việt và Phong Điệp dẫn nàng thơ đã điểm trang xúng xính ra trình độc giả. Thơ, không còn nguyên chất, nhưng được nêm thêm gia vị cũng tạo ra những thực đơn, nếu chưa ngon thì cũng rất mới và lạ. Chu Thị Minh Huệ gùi thơ xuống núi, Hồ Huy Sơn hóa thân thành chàng mục đồng hồn nhiên, hát lên khúc ca Chăn trâu của mình với sự phụ họa của các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Trung ương, Dạ Thảo Phương "phiêu" trong thơ cùng các ca sĩ Minh Ánh và Hoàng Yến, Đoàn Văn Mật gõ phách để nghệ sĩ Thanh Ngoan hát chầu văn những vần thơ hóm hỉnh...
Ngày hội quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng của âm nhạc, sân khấu. Nhưng người yêu thơ vẫn nhận ra những ngôi sao của chính làng thơ. Khi Dương Tường, Hoàng Hưng, Vi Thùy Linh lên sân khấu, khán giả nhất loạt nhào lên phía trước, để tận mắt chứng kiến trò phá cách của họ. Hoàng Hưng điềm tĩnh đọc Người đi tìm mặt trong tiếng nhạc đệm dồn dập và gấp gáp. Vi Thùy Linh xuất hiện trong chiếc váy trắng tinh khôi, thể hiện niềm khát khao yêu thương cùng nghệ sĩ kịch câm Đào Kế Đoàn. Và ấn tượng nhất, khó hiểu nhất là khi lão thơ Dương Tường mang theo một cuốn giấy vệ sinh nhan nhản chữ lên sân khấu. Ông chầm chậm tháo giấy, quấn chặt quanh người trong tiếng đọc thơ của Phan Huyền Thư và Dạ Thảo Phương. Đến hồi cuối, Dương Tường cất tiếng đọc những vần thơ của chính mình, Huyền Thư và Thảo Phương bước lên sân khấu, mạnh mẽ giật tung những mảng giấy quấn quanh nhà thơ. Màn trình diễn có thể hữu ý hay chỉ nhằm gây ấn tượng về thị giác phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người, nhưng Dương Tường đã khẳng định sự trẻ trung trong tâm hồn và sự sáng tạo của ông.
Nhà thơ Dương Tường và Dạ Thảo Phương trong màn diễn. |
Có mặt tại Ngày thơ từ khá sớm và nhanh chóng làm khách trên sân thơ trẻ, nhà văn Chu Lai nhận xét: "Tôi tán thành sự đổi mới này. Đó là sự phá cách rất cần thiết". Nhưng ông cho rằng: "Nghe kỹ, mỗi bài thơ đều có cái hay riêng, có sự duyên dáng và hồn nhiên của tuổi trẻ, nhưng chưa tạo được sự bất ngờ khiến độc giả phải giật mình. Thơ hoàn toàn có thể trình diễn nhưng cần phải dụng công hơn". Quả thực, mỗi nhà thơ dường như đều ẩn chứa trong mình một nghệ sĩ trình diễn, nhưng có lẽ vì chưa quen với lối biểu hiện sân khấu, họ có lúc đứng quay lưng với khán giả từ đầu đến cuối, có lúc bị những diễn viên phụ làm lu mờ.
Sân thơ trẻ đánh thức mọi giác quan của người xem, nhưng sân thơ già mới là nơi gieo vào lòng người những cảm nhận thâm trầm nhưng cũng không thiếu chất hài hước, nhờ sự đẩy đưa khéo léo của MC Đỗ Trung Lai và sự hóm hỉnh của các bậc thi nhân cao niên. Đúng với không khí hội hè, họ giao lưu với độc giả bằng những vần thơ nhẹ nhàng, những câu đùa dí dỏm. Cây bút Lào Cai Pờ Sảo Mìn mang tới Hà Nội Cây 2.000 lá - bài thơ lấy cảm hứng từ dân tộc Pà rí nay chỉ còn chưa đến 2.000 dân của ông. Khi MC hỏi: "Trong số 2.000 lá của Pà rí, ông góp vào đó bao nhiêu chiếc lá?", nhà thơ duyên dáng trả lời: "Câu hỏi này hay nha. Tôi có một vợ, ba con thôi. Nhưng lại may mắn được Hội Nhà văn cho đi giao lưu nơi này nơi nọ. Không biết ở những nơi đó có mọc lên chiếc lá nào không?".
Các diễn viên chuẩn bị lên sân khấu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thỉnh thoảng, trong ngày đặc biệt của mình, các nhà thơ cũng "nũng nịu" thở than một chút. Nhưng đó đều là những tâm sự rất thật lòng, rất thơ. Vũ Quần Phương, trước khi đọc bài thơ về que diêm - một cách so sánh phút cháy sáng của que diêm với thân phận người cầm bút - đã ý nhị nói: "Nhà thơ là những người phải cháy hết mình, phải bộc lộ hết mình. Mà vì bộc lộ hết nên tất nhiên có những phút hớ hênh. Vì hớ hênh nên cũng có khổ lụy". Còn Hoàng Minh Châu, tác giả của cuốn Thơ khối vấn đề thành thực: "Tôi viết Thơ khối vấn đề để đọc trong hội trường, để người ta tranh luận, rồi anh nào thích đánh thì đánh, thích in thì in. Nhưng hôm nay là ngày hội thì chỉ đọc vui thôi".
Ngoài thơ, ngày hội vẫn xôm tụ đủ trò với những trò chơi như thư pháp, đối thơ. Nhưng sau 5 năm rút kinh nghiệm, dường như Ban tổ chức đã "có nghề" hơn trong việc triển khai ngày hội, đã khiến thơ trở thành nhân vật trung tâm, được quan tâm với nhiều sự yêu thương, trìu mến.
Tuy đã tham dự không ít hội hè thi ca, nhưng nhà văn Chu Lai không khỏi ngỡ ngàng trước biển người đổ đến với Ngày thơ. Ông nhận xét: "Trong khi chứng khoán đỏ sàn, giá đất giá vàng đang sôi lên, cuộc sống đang vận hành với tốc độ chóng mặt thì Ngày thơ như một tiếng chuông, gõ nhịp vào nơi sâu thẳm của con người. Dù thế nào, người dân xứ Bắc vẫn khát khao một cái gì đó ở chiều sâu, ở sức đằm của trí tuệ và tình cảm".
Video Dương Tường quấn thơ quanh mình |
Lưu Hà