Đây là quy định mới trong Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 thay thế nghị định 36/2009 hiện hành. Nghị định này được ban hành ngày 27/11, trong đó có thêm nhiều điểm mới về trường hợp sử dụng pháo, hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ.
Điều 17 về sử dụng pháo hoa quy định, các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có "năng lực hành vi dân sự đầy đủ" được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, những người từ đủ 18 tuổi trở lên đều có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nếu không thuộc các trường hợp bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định.
Theo điều 11 của quy định mới, vào giao thừa của Tết Nguyên đán, các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút.
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút vào lúc 21h ngày 9/3 âm lịch ở khu vực đền Hùng.
Ngày Quốc khánh, các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp vào lúc 21h ngày 2/9 trong 15 phút.
Ngày Chiến thắng (30/4 dương lịch): Hà Nội và TP HCM được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp không quá 15 phút; vào 21h ngày 30/4. Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ: Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa tầm thấp vào lúc 21h ngày 7/5 tại thành phố Điện Biên Phủ.
Ngoài ra còn có các dịp được bắn phoá hoa như: Kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng quyết định.
Nghị định hiện hành nêu 4 hành vi chung nhất bị nghiêm cấm, Nghị định 137 đã quy định cụ thể hơn với 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo. Trong đó có nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trao đổi pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; giao pháo hoa nổ cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn, huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...
Theo nghị định, pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa. Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công gây ra tiếng nổ, rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa không gây ra tiếng nổ, có hiệu ứng ánh sáng, màu sắc trong không gian. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không quá 120 m; tầm cao có đường kính trên 90 mm hoặc bắn trên 120 m.