Trong khi phổ điểm THPT quốc gia của thí sinh cả nước năm nay tăng lên, nhiều ngành đào tạo theo đó lấy điểm chuẩn cao thì không ít Cao đẳng Sư phạm lại có điểm trúng tuyển tụt lùi so với năm trước. Nhiều trường thậm chí tuyển thí sinh đạt từ 3 điểm mỗi môn.
Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh lấy 9 điểm đầu vào cho 6/6 mã ngành tuyển thí sinh tỉnh ngoài, 4/6 mã ngành dành cho hộ khẩu trong tỉnh. Cao đẳng Sư phạm Gia Lai có 6/11 ngành gồm: sư phạm Văn, Toán, Lý, Hóa, Lịch sử, tiếng Anh đều lấy 9 điểm chuẩn. Mức này đã bao gồm cả điểm ưu tiên.
Điểm trúng tuyển của Cao đẳng Sư phạm Lào Cai là 9,5, thấp hơn cả mức của 2 năm trước là 11,25-12,1 điểm.
Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, Cao đẳng Sư phạm Hà Nam đều lấy 10 điểm thi THPT quốc gia làm chuẩn đầu vào. Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều ngành lấy điểm trúng tuyển là 10,5-10,75.
Ở trung tâm thủ đô Hà Nội, Cao đẳng Sư phạm Trung ương chỉ yêu cầu thí sinh trúng tuyển đạt từ 4,3 điểm thi THPT quốc gia mỗi môn. 7/9 mã ngành đào tạo của trường này, gồm Sư phạm Tin học, Giáo dục mầm non theo chương trình đào tạo song ngành, giáo dục đặc biệt... đều lấy điểm chuẩn là 13.
Hai ngành có mức trúng tuyển cao nhất của trường là Giáo dục mầm non chương trình chất lượng cao 24,5 điểm và Giáo dục mầm non chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội là 19.
Điểm chuẩn của đại học ngành Sư phạm thấp, của cao đẳng còn thấp hơn nữa khiến TS Vũ Thu Hương - người có 20 năm đào tạo giáo viên - cảm thấy lo lắng. Bà từng gặp sinh viên Sư phạm không biết ký hiệu hóa học của các nguyên tố đơn giản như sắt (Fe), đồng (Cu), nói Nguyễn Huệ là vua cuối cùng của nhà Nguyễn hay đinh ninh vận tốc của ôtô là 5m/h…
Có giáo viên đã giải thích cho học sinh rằng, sóng là do có hòn đảo nhấp nhô như nút chai ngoài biển, nước biển mặn vì có hòn đảo muối ở ngoài khơi xa... "Với những nhà giáo tương lai có lượng kiến thức phổ thông thiếu hụt trầm trọng như vậy, giảng viên chúng tôi dù có phép tiên cũng chẳng giúp nổi họ vững vàng đứng lớp", TS Hương trăn trở.
Theo bà, những sinh viên có điểm đầu vào thấp thường chủ quan, tuột dốc dần do kém chịu đựng áp lực học tập và sinh hoạt của môi trường đại học. Khối các trường Sư phạm từ lâu vẫn giữ được sự mô phạm trong cách đào tạo và quản lý sinh viên. Áp lực học tập là có thật. Nếu sinh viên không đủ bản lĩnh rất dễ gặp các rủi ro khiến cho quá trình tiếp thu kiến thức, bố trí sắp xếp thời gian học, sinh hoạt giáo dục của trường, khoa… không được thuận lợi.
Theo quy đinh, giáo viên tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm được dạy học từ cấp mầm non đến THCS.
Mùa tuyển sinh 2017, trừ hai đại học lớn là Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM có điểm chuẩn cao, phần đông trường địa phương lấy điểm trúng tuyển ngành sư phạm bằng hoặc hơn một chút so với mức sàn 15,5 của Bộ Giáo dục. Đại học Hồng Đức (công lập, tỉnh Thanh Hoá) 10/10 ngành Sư phạm lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5. Đại học Hùng Vương (công lập, tỉnh Phú Thọ) 8/10 ngành đào tạo sư phạm có điểm trúng tuyển 15,5. Trường vùng miền có "thương hiệu" như Đại học Vinh (tỉnh Nghệ An), điểm chuẩn nhóm Sư phạm Tự nhiên (Toán, Tin, Vật lý, Hoá học) và Sư phạm Xã hội (Văn, Sử, Địa, Chính trị, Tiểu học, Quốc phòng an ninh) chỉ là 15,5, trừ Giáo dục tiểu học. Đại học Sư phạm Huế 10/15 mã ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi. Sư phạm Thái Nguyên có 6/14 ngành lấy điểm chuẩn 15,5. |