Tôi vẫn nhớ trong một bài giảng thầy giáo dạy tiếng Anh của tôi đã dạy, đối với từ “home” chúng ta dùng “go home” mà không “to” như khi dùng đối với những địa điểm khác. Vì đó là nơi chúng ta trở về. Điều này làm tôi nhớ đến "Người ta có rất nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để về. Hôm nay, tôi cũng sẽ lên đường về nhà".
Sau một buổi tối ngủ trễ để cố gắng nhét hết áo quần, laptop và mấy thứ khác vào va li và ba lô, sáng hôm sau tôi vẫn thức dậy khi còn tờ mờ sáng chỉ vì tâm trạng lo lắng mình đã quên mất cái gì đó. Kiểm tra lại đồ đạc một lần nữa cho chắc chắn, mặc thêm áo quần và chuẩn bị sẵn áo khoác, khăn len vì chắc chắn ở Nghệ An rất lạnh, tôi bắt đầu thần người ra, không biết phải làm gì nữa. Chưa tới bảy giờ sáng trong khi chín giờ tàu mới chạy, tôi đã dặn thằng bạn tám giờ rồi hẵng qua chở tôi.
Cứ mỗi lần chuẩn bị về quê là tâm trạng lại trở nên xoắn xít như thế, sau đó lại lo sợ quên này, quên nọ. Cũng bởi năm nhất, tôi thậm chí bỏ quên cả vé tàu, chứng minh thư ở kiý túc xá bởi cứ đóng mở va li kiểm tra đi, kiểm tra lại. Báo hại sau đó phải gọi hết một lượt bạn bè để nhờ mang ra giùm. Hồi ấy tôi còn ở kí túc xá tuốt luốt Thủ Đức trong khi ga Sài Gòn ở quận 3. Nhìn điện thoại một lúc, tôi nhắn một tin để chắc chắn thằng bạn nó đã ngủ dậy và nhớ đến việc phải chở tôi (?), ngần ngừ thêm mấy giây tôi nhắn thêm một tin cho con bạn thân nói đã chuẩn bị xong, chuẩn bị ra ga. Con bạn thân của tôi vẫn như mọi năm không về Tết.
Cận Tết, trang mạng xã hội của một con bé sinh viên như tôi ngập tràn status với chung một chủ đề: về nhà. Cùng một chủ đề nhưng lại có cơ man đủ thứ loại chia sẻ. Đứa chụp hình ảnh tay xách tay mang va li, ba lô ra về chia sẻ lên cho bạn bè tức chơi; đứa than ngắn, than dài đang ở một mình vì bạn bè đã về hết; đứa nôn nao khi vẫn còn kì thi trước mắt; đứa thông báo bằng một cách thần tốc nào đó nó đã ở nhà. Niềm vui đoàn viên luôn được sẻ chia với tốc độ ánh sáng, nỗi buồn ở lại người ta luôn tránh để đừng chạm vào. Nhưng con bạn thân của tôi luôn mạnh mẽ hơn tôi tưởng, nó luôn dặn tôi lúc nào đi thì báo, về tới nhà thì báo. Hai mươi tám tiếng trên tàu, có lúc nó sẽ nhắn tin hỏi xem đã tới đâu rồi.
Không may mắn như tôi, một năm tôi thường về quê hai lần: Tết, hè. Nó, bốn năm thậm chí Tết cũng phải ở lại chỉ vì có nhiều công việc làm thêm hơn và có thể kiếm đủ tiền học cho học kỳ sau. Tôi không rõ tâm trạng thực sự của nó, nó luôn bảo Tết ở Sài gòn không buồn chán như người ta nói đâu. Và nó cũng chẳng có thời gian để mà nhung nhớ. Bình thường, công việc cũng cuốn nó cả ngày, đêm và quả thực có lúc tôi nghĩ, nó có khi chẳng có thời gian mà nhung nhớ thật. Trước ngày tôi về Tết năm trước, nó hỏi tôi có khi nào thời gian sẽ làm cho nó chai sạn. Tôi im lặng. Nó cũng không chờ câu trả lời vì thực ra thì đó không phải là câu hỏi. Và rõ ràng bản thân nó đã có câu trả lời...
Nghĩ về nó, có thể rằng nó mạnh mẽ và giỏi giấu giếm cảm xúc, thế còn cha mẹ và các em của nó. Có lần tôi đã hỏi, cha mẹ có giục về không. Nó chỉ cười trừ. Tôi nhớ đến mẹ tôi, người thậm chí trước ngày về tôi một tuần ngày nào đã gọi để dặn sắp xếp đồ đạc, cho dù tôi vừa về nhà vào tháng tám. Thằng em trai thậm chí còn dặn chị gái chuẩn bị đồ ăn cẩn thận vì chị gái từng bảo không ăn được đồ trên tàu. Người nhà là vậy nên nó chẳng cần nói gì thêm, tôi cũng đủ hiểu.
Vì thế, nên mỗi dịp về quê tôi thường chụp rất nhiều ảnh để chia sẻ lên blog của hai đứa. Cành đào mới nở được mấy bông, quả quất chỉ có một trái mà đã vàng. Cảnh chợ Tết tập nập những hương, hoa, cau trầu và đồ cúng lễ; đôi bà bà túm tụm lại một nơi trả giá cho con gà trống. Bữa nay còn mở thêm phiên chợ chiều gần nhà văn hóa xã, tôi được dịp mục sở thị và chụp lại chậu cá chép cúng ông Táo.
Nhà chưa chuẩn bị gì gói bánh hết, Tết năm nào đó tôi nhắn tin cho nó như thế, hai tám mới đi mua lá dong. Chỉ mấy giây sau nó đã nhắn lại một tin rất gọn, đang ăn bánh. Tôi hóa đá, nhanh dữ. Nó bảo thích nhìn mấy hình chụp gói bánh, thế nên tôi luôn chụp lại rất cụ thể từng giai đoạn ngâm gạo nếp, giã đậu, rửa lá, nhặt hành tím, gói bánh, luộc bánh, thay lá, lăn bánh, thay nước... và đặc biệt chụp rất nhiều cảnh hai chị em ngồi cắn hạt hướng dương cạnh nồi bánh đêm hai chín Tết. Chụp rồi, tự dưng tôi cũng đâm ra nghiện nhìn bức ảnh ấy, tự cảm thấy ấm kỳ lạ và tự cho đó là một nghệ thuật.
Giao thừa, hai chị em lội ra vườn hái cành bưởi đầy nụ lấy lộc đầu năm. Tôi gửi nóng cho nó một tin nhắn hình ảnh, và thường tới gần trưa mồng một nó mới trả lời một tin chẳng liên quan. Tôi cũng không thắc mắc, nó bận quá chẳng có thời gian nhung nhớ đến tôi chăng? Mồng một, tôi cũng bận thay mẹ tiếp khách và nhận lì xì, không có thời gian nhung nhớ đến nó. Mẹ tôi và em đi chúc Tết họ hàng rồi.
Sài Gòn ấm áp, Nghệ An lúc này vừa lạnh lại vừa mưa thế nhưng sao tâm trạng sắp được về nhà lại mới thấy ấm thế này. Về hè, về Tết luôn là hai tâm trạng khác nhau. Tết năm ngoái, Tết năm nay cũng đã khác. Hành trang mang về năm nay ít hơn nhưng cảm giác có chút nặng hơn vì mang theo cả nỗi lo của một sinh viên năm cuối. Nghĩ linh tinh rồi đồng hồ cũng điểm tới tám giờ. Mẹ dặn, mang ít đồ thôi, con về là được rồi. Vậy mối lo này, con tạm kí gửi lại Sài Gòn. Để về quê với vòng tay của mẹ và nụ cười tỏa nắng của em. Còn cậu, Tết này nhớ tới bản thân một chút nhé và nhớ lời hứa Tết sau cùng tớ về nhà!
Phan Quỳnh Trang
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |