Trận đấu cuối của bảng B Copa America 2016 giữa Brazil và Peru, từ đường căng ngang bên cánh phải của Andy Polo, Raul Ruidiaz của Peru đã dùng tay đưa bóng vào lưới. Bất chấp sự phản đối dữ dội của các tuyển thủ áo vàng-xanh, trọng tài vẫn công nhận bàn thắng sau khi hội đàm với trợ lý.
Pha làm bàn gây tranh cãi ấy đã giật tấm vé vào tứ kết khỏi tay Brazil và trao cho chính Peru. Cùng với đó là những kỷ lục buồn dành Brazil sau trận đấu này. Đấy là lần đầu tiên sau 40 năm, Brazil bại trận trước Peru, cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1987, tức là gần tròn ba thập niên, đội tuyển này bị loại ngay vòng bảng Copa America.
Được chứng kiến lịch sử luôn là điều gì đó, thiêng liêng và trọng đại, nhưng bị loại ngay từ vòng bảng Copa America quả là một thời khắc chẳng dễ chịu chút nào cho một đất nước được mệnh danh là thánh đường bóng đá như Brazil. Nếu đồ thị cho vinh quang của bóng đá xứ sở samba là một hình sin, thì những gì mà người hâm mộ đang được chứng kiến chính là đáy của đồ thị ấy.
Theo lẽ thường, quân thua - trảm tướng. Chỉ hai ngày sau khi Brazil rời Copa America 2016, Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF) đã sa thải Dunga. Đây là lần thứ hai ông rời ghế HLV tuyển Brazil theo cách này, khi CBF cần ngay một con tốt thí để đánh lạc hướng, xoa dịu dư luận đang giận giữ và chán nản. Nhưng sẽ không có chuyện người hâm mộ vì Dunga mà quên đi trách nhiệm của CBF. Thất bại ê chề của hôm nay, không hoàn toàn do lỗi của Dunga, nhưng kết cục trái ngang thì vẫn hệt như câu chuyện của sáu năm về trước.
Ngày 5/7/2010, 24 tiếng sau khi Brazil bị loại khỏi tứ kết World Cup 2010, Dunga bị CBF sa thải. Dunga, người mà suốt gần 1.500 ngày ngồi trên băng ghế huấn luyện của Brazil chưa bao giờ được lòng dư luận, đã đương đầu với giới mộ điệu bằng cách xù lông nhím lên. Bất chấp sự phản đối của 10.000 cổ động viên Santos, ông vẫn cố tình “lơ” ngôi sao trẻ Neymar trước World Cup 2010.
Bởi thế Dunga bước vào giải đấu đó cũng như tình thế của HLV Aime Jacquet với tuyển Pháp trước World Cup 1998 - nhận quá nhiều chỉ trích, tình trạng luôn sôi sùng sục với báo chí và dư luận. Tối hậu thư được đưa ra: hoặc vô địch hoặc bị sa thải. Nhưng Dunga đã không may mắn bằng Jacquet, và án sa thải được đặt xuống cho một con người có thể coi là “anh hùng sa cơ”. Khi một người đã thách thức quá nhiều những triết lý truyền thống của bóng đá Brazil, việc ông phải lên đoạn đầu đài khi thất bại là điều dễ hiểu.
Brazil của Dunga thực dụng, nhưng đó còn là tính kỷ luật và tổ chức. Tại World Cup 2010, đội bóng này trình diễn một hiệp một đẹp như sóng vỗ bờ trước Hà Lan ở tứ kết, đã vùi dập Chile 3-0 tại vòng 1/8. Không ai dám nói những trận ấy Brazil chơi không đẹp, nhưng sai lầm cá nhân của cầu thủ ở hiệp hai trận đấu với Hà Lan đã hại ông.
Tại Copa America 2016, cả ba trận vòng bảng của Brazil chỉ cho thấy yếu tố con người, mà cụ thể là tiền đạo "số 9” của Brazil là con số không tròn trĩnh. Brazil lên bóng được, đánh chặn tốt, họ chỉ bất lực và không cho thấy sự đột phá cần thiết khi xử lý trong khu vực 16m50. Trước khi Brazil nhận bàn thua oan nghiệt để bị loại khỏi Copa America 2016, họ đã bỏ lỡ hàng loạt cơ hội để chọc thủng lưới Peru.
Đấy là lúc chúng ta cần nhìn lại di sản của Dunga. Tháng 11/2014, chỉ mấy tháng sau khi trở lại dẫn dắt Selecao thay thế cho Scolari, Dunga gặp đại kình địch Argentina, đội quân của ông giành chiến thắng 2-0. Và ở đây, ta cần phải giật mình trước thống kê đối đầu giữa Brazil và Argentina: khi có Dunga, Brazil toàn thắng Argentina, còn khi không có ông, Brazil chỉ hòa và thua.
Có thể hôm nay, Dunga bị loại ở vòng bảng Copa America 2016. Nhưng cách đây chín năm, chính người đàn ông này đã giúp Brazil đè bẹp Argentina của thế hệ tài năng vào độ chín muồi nhất Juan Riquelme, Hernan Crespo, Javier Zanetti... với tỉ số 3-0 trong trận chung kết Copa America 2007, để lên ngôi vô địch.
Điều mà bóng đá Brazil tiếc nuối khi Dunga bị sa thải 2010 là chỉ thấy thất bại, chứ không thấy được cái hơn người của HLV này. Đến khi nhìn ra, thì Dunga đã ra đi. Quyết định gọi ông trở về là để được thấy Dunga tiếp tục con đường mà ông đi dang dở.
Dunga bảo rằng "Copa America 2016 là tai nạn". Ông hiểu rõ lộ trình mình đi, con đường dài thì luôn có tai nạn. Nhưng đích cuối đó có viên mãn hay không, thì Dunga không chạm tay vào được nữa. Hai năm tới, World Cup 2018 tổ chức ở Nga. Hai năm ấy, sẽ có thêm hàng ngàn "bông lúa non" nữa được gặt sớm và đem sang châu Âu xa xôi, khi quay về phụng sự đội tuyển quê hương, chất Brazil trong những cầu thủ ấy chắc chắn sẽ bị tẩy rửa.
Jose Mourinho từng nói "Không có trứng, không có món ốp-lết. Và món ốp-lết có ngon hay không thì còn tùy thuộc vào chất lượng trứng nữa". Dunga là một đầu bếp có thể làm món ốp-lết, nhưng ông không có trứng tốt để chế biến nó. Mà vấn đề của những quả trứng ấy, chắc chắn là thuộc về CBF chứ không phải Dunga. Một nền bóng đá vì lợi nhuận đã mờ mắt "gặt và bán lúa non", bỏ lại một thế hệ điêu tàn cho Dunga hôm nay gánh vác, rồi đến khi thất bại lại "trảm" người thầy đó, nền bóng đá ấy thật khiến người ta đau lòng.
Dũng Phan