Ngày 4/6, bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM, cho biết bệnh nhân từng vài lần phẫu thuật điều trị u men xương hàm dưới. Chị phải cắt bỏ đoạn xương hàm dưới từ góc hàm phải sang trái, ảnh hưởng chức năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ khuôn mặt.
Các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM lấy xương mác từ cẳng chân để thay thế phần xương hàm khuyết hổng. Sau đó bệnh nhân được cấy ghép implant và phục hình toàn hàm trên. Bệnh nhân ăn nhai tốt, có nụ cười đẹp sau mổ.
Theo bác sĩ Minh, những bệnh nhân bị khuyết hổng xương hàm do nguyên nhân u nang hàm mặt, viêm nha chu, hoại tử xương hàm, chấn thương... thường khó khăn trong phục hồi chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.
"Nếu sử dụng các phương pháp thông thường mà không ghép xương thay thế xương hàm khuyết hổng thì hiệu quả thẩm mỹ, chức năng sẽ không đạt và khuôn mặt không được tự nhiên", bác sĩ Minh phân tích.
Kỹ thuật ghép xương mác có cuống mạch giúp tái tạo đường viền khuôn mặt gần như bình thường. Xương mác sau khi ghép vào mô xương hàm còn lại sẽ tiếp tục được nuôi sống, cho phép thực hiện phục hình răng bên trên bằng cấy ghép implant.
"Việc lấy một đoạn xương mác từ chi dưới không ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể", bác sĩ Minh nói. Kỹ thuật ghép xương mác tự thân đã được áp dụng thành công trên thế giới và tại Việt Nam.