Chiều 23/7, công an Đà Nẵng tổ chức hàng chục điểm chốt trên các tuyến đường chính của 7 quận, huyện để kiểm tra việc người dân ra đường khi không cần thiết; đạp xe, đi tập thể dục, hoặc shipper, grab,... hoạt động bất chấp lệnh cấm theo yêu cầu giãn cách của chính quyền thành phố.
Công an không lập chốt cứng mà chia thành từng nhóm khoảng hai chiến sĩ, với sự hỗ trợ của dân quân, dân phòng, quy tắc đô thị để đứng chốt tại các ngã ba, ngã tư, cho dừng xe ngẫu nhiên và yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, lý do ra đường...
Tại ngã tư đường Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám (phường Tân Chính, quận Thanh Khê), trong vòng 5 phút, công an dừng 3 phương tiện và cả ba người đều không đưa ra được lý do chính đáng cho việc đi lại. Sau khi tuyên truyền, nhắc nhở, công an cho người dân tiếp tục lưu thông với cam kết không tái phạm.
Đại uý Nguyễn Tấn Tài, Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự quận Thanh Khê, cho biết do trong ngày đầu ra quân, lực lượng làm nhiệm vụ chủ yếu nhắc nhở người dân chấp hành quy định của thành phố để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.
Tại nhiều điểm chốt khác, lực lượng đã lập biên bản với một số shipper và người dân vi phạm quy định của thành phố, hàng trăm lượt người được nhắc nhở. Mỗi quận, huyện có hai tổ tuần tra cơ động để xử lý trường hợp người đi đường không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của công an đứng chốt.
Ông Huỳnh Bá Hảo, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết người dân ra đường khi không thực sự cần thiết, shipper hoạt động bất chấp lệnh cấm,... có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng vì vi phạm các quy định về phòng chống dịch.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết đã tăng cường thêm 500 cán bộ chiến sĩ thuộc công an thành phố xuống các quận, huyện để kiểm soát các ngả đường, trước mắt trong vòng 14 ngày để hạn chế thấp nhất tình trạng người dân ra đường không cần thiết.
Ngoài đứng chốt, công an còn được yêu cầu đến từng tổ dân phố, khu dân cư để tuyên truyền cho người dân nhà cách ly với nhà, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, không được tụ tập vui chơi, ăn uống. Công an khu vực có nhiệm vụ phối hợp với các chốt kiểm tra để xác minh nhân thân người vi phạm.
Những người đi làm đã được thành phố yêu cầu cơ quan, đơn vị cấp giấy xác nhận. Còn lại người dân chỉ ra được khi đi chợ, mua lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men... "Thực tế thời gian qua vẫn nhiều người dân còn chủ quan, gây khó khăn cho các lực lượng phòng chống dịch", tướng Viên nói.
Theo tướng Viên, mầm bệnh đang ẩn khuất trong khu dân cư, bằng chứng là vừa qua Đà Nẵng phát hiện nhiều ca dương tính nCoV khi lấy mẫu ngẫu nhiên đại diện hộ gia đình, nhiều ca bệnh chưa rõ nguồn lây nên "người dân cùng nâng cao ý thức, chấp hành quy định để bảo vệ trước hết cho bản thân, gia đình và giảm bớt các môi nguy cho cộng đồng xã hội".
Đáng lo ngại nhất khi kiểm soát việc đi lại khi không cần thiết của người dân là trên tuyến quốc lộ 1A, có nhiều loại phương tiện cùng lưu thông. Giám đốc Công an Đà Nẵng cho biết đã có phương án. Theo đó, ngoài các chốt kiểm soát dịch, công an các địa phương nơi có quốc lộ đi qua sẽ thường xuyên tuần tra để xử lý.
Chính quyền Đà Nẵng ban hành quy định cấm hoạt động shipper, grab, đạp xe tập thể dục, không tụ tập quá hai người nơi công cộng,..; kêu gọi người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, từ 12h ngày 22/7. Quy định này được đưa ra khi các chuỗi lây nhiễm cộng đồng 12 ngày liên tiếp (từ 10/7), đã lên đến hơn 300 ca.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói thành phố không áp dụng Chủ thị 16 mà chỉ thực hiện các biện pháp siết chặt, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả.