Trong các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông phải bao gồm giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn (hay còn gọi là giải pháp chiến lược).
a) Giải pháp ngắn hạn
Thứ nhất, việc thu phí giao thông đối với xe cá nhân, phí giao thông đường bộ, và phí lưu hành trong nội đô vào giờ cao điểm phải kết hợp chặt chẽ với việc phát triển hiện đại hệ thống giao thông công cộng.
Theo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, việc thu phí giao thông nhằm mục đích chính là giảm số lượng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, với chất lượng giao thông công cộng như ở nước ta hiện nay thì hầu như việc thu phí sẽ không có ý nghĩa nếu hệ thống giao thông công cộng không được đổi mới.
Khi đi xe buýt còn quá nhiều bất tiện như: quá tải, không đúng giờ, mất cắp, bến xe và điểm dừng quá xa nơi ở và nơi muốn đến, xe buýt cũng len lỏi giữa làn đường như bao xe khác thì việc thu phí 50 triệu một năm đối với ô tô cá nhân, chứ nếu phí này lên tới 70 triệu thì người sở hữu ô tô vẫn "cắn răng" nạp phí để tránh được những phiền hà như khi đi xe buýt.
Điều đó cho thấy rằng, nếu có một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thì không cần thu phí, người dân cũng tự giác rời bỏ phương tiện cá nhân.
Mặc dù vậy, việc phát triển một hệ thống giao thông công cộng như thế nào trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn mới là điều quan trọng.
Đất nước ta chưa có đủ tiềm năng để một sớm một chiều xây dựng được hệ thống Subway như của Nga, Thái lan, Pháp, Đức, Áo… và cũng không dễ để có được hệ thống Sky-train hiện đại như nước bạn Thái lan.
Do vậy hệ thống xe buýt và xe điện vẫn là lựa chọn tối ưu cho giải pháp ngắn hạn hiện nay. Theo đó, bên cạnh việc tăng cường chất lượng phục vụ của xe buýt (giảm số lượng bằng cách tăng các xe cỡ lớn; xe chạy theo lịnh trình cụ thể, rõ ràng và đến bến đúng giờ nhất có thể, bán vé tự động, kiểm tra vé ngẫu nhiên, nâng cao văn hóa đi xe buýt của người dân…), tôi xin đề xuất xây dựng một hệ thống giao thông công cộng kiểu như xe điện nhưng chạy bằng xăng như tàu hỏa.
Với hệ thống này, các tàu cỡ vừa và nhỏ sẽ được bố trí chạy quanh thành phố theo đúng lịch trình cụ thể chính xác đến từng giây (vì nó có đường ray riêng), hệ thống phục vụ trên tàu có tiêu chuẩn cao.
Hệ thống này là sự kết hợp giữa xe điện (một mô hình phổ biến tại các quốc gia châu Âu) với Sky-train (mô hình phổ biến tại các nước đang phát triển như Thái lan, Singapore…).
Dùng xe điện là không phù hợp (tức là sử dụng nhiên liệu bằng điện) vì nước ta hiện nay đang thiếu điện và nó cũng làm xấu cảnh quan thành phố. Nếu xây đường trên cao thì không phải ở đâu cũng xây được và kinh phí cũng rất lớn.
Dùng xăng sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng so sánh với hàng triệu xe máy, ô tô hiện nay thì có lẽ sự ô nhiễm vẫn giảm đáng kể.
Như vậy, nếu dành khoảng 2 mét bề rộng của lòng đường cho hệ thống này thì ta đã có một hệ thống giao thông cộng cộng tối ưu và diện tích lòng đường dành cho xe “điện-xăng” này sẽ được bù lại bởi những phương tiện cá nhân đã được từ bỏ.
Về mặt đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, hệ thống “xe điện chạy bằng xăng” này không đòi hỏi nguồn vốn quá lớn. Và việc kêu gọi đầu tư từ các cá nhân và tổ chức đều có khả năng thành công cao.
Bên cạnh đó, việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng nhỏ lẻ khác, nhằm phục vụ người đi lại đến tận nơi như: xe chở khách nhỏ, xe ôm, taxi cũng cần được bố trí đúng theo quy hoạch.
Các loại phương tiện này sẽ được bố trí chỉ để đưa đón công nhân, học sinh, viên chức… từ nơi làm việc đến các bến xe công cộng chính (hệ thống xe này chỉ được chạy trong các đường nhỏ, ngõ ngách mà phương tiện công cộng chính không tới được).
Thứ hai, hạn chế số lượng xe taxi tham gia giao thông trong giờ cao điểm bằng cách tăng phí lưu hành trong giờ cao điểm.
Xe taxi là một trong nhưng nguyên nhân gây ra ùn tắc tại các thành phố lớn ở nước ta. Vì phải đi lại đón, trả khách nên nhiều lúc taxi không có khách vẫn phải lưu hành trên đường, gây ra tắc nghẽn; đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm.
Thư ba, khuyến khích các bộ ngành khác sử dụng công nghệ hiện đại nhằm làm việc tại nhà, giảm thiếu tối đa số lần đi lại giữa nhà ở và cơ quan. Công nghệ hiện đại như internet, máy tính xáy tay,…cho phép cán bộ, học sinh, sinh viên và viên chức có thể làm việc mà không cần phải tới cơ quan hằng ngày. Việc báo cáo, chỉ đạo, thực hiện và giám sát đều có thể thực hiện được qua internet.
Thứ tư, phân làn giao thông, điều chỉnh lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến đường chính một cách khoa học. Việc phân làn giao thông đã được thử nghiệm tại nhiều tuyến đường và thành phố trong thời gian qua.
Tuy nhiên, việc phân làn chưa thực sự khoa học đã dẫn tới tình trạng “làn chồng làn”. Việc phân làn phải được nghiên cứu thật kỹ, tùy thuộc vào đặc điểm của từng tuyến mà phân làn, chiều cho hợp lý. Hạn chế tối đa các tuyến đường hai chiều nhằm giảm nguy cơ tai nạn giao thông.
Trong cùng một thời điểm, tuyến đường A quá tải, nhưng tuyến đường B lại chưa được sử dụng đúng với hiệu suất của nó.
Nguyên nhân là do cách phân làn đã dẫn tới một lượng lớn các phương tiện giao thông tập trung vào tuyến đường A, trong khi đó không có hoặc rất ít phương tiện giao thông đi vào tuyến đường B. Mặc dù, cả hai tuyến này có thể dẫn tới cùng một địa điểm.
Do đó việc nghiên cứu trạng thái của lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến đường chủ yếu vào các giờ cao điểm là cần thiết để có cơ sở phân chia và điều chỉnh làn và chiều cho hợp lý.
Vấn đề này cũng không ngoại trừ việc phân chia làn đường, quyền ưu tiên tại các điểm giao nhau có đèn giao thông. Tín hiệu đèn giao thông tại các ngã ba, ngã tư, ngã năm phải dễ hiểu, phù hợp với các làn đã phân chia. Bố trí các điểm quay đầu xe một cách hợp lý, không ảnh hưởng tới sự lưu thông của các phương tiện khác.
Thứ năm, giảm thiếu tối đa các điểm dừng dành cho người đi bộ, hoặc các điểm dừng do giao nhau với tuyến đường khác bằng cách sử dụng cầu vượt hoặc hầm vượt.
Hầu hết tình trạng tắc đường diễn ra tại các điểm giao nhau. Nếu không có phương tiện nào bị dừng lại, thì dĩ nhiên sẽ không có hiện tượng tắc nghẽn. Vì vậy, tại những điểm giao nhau có lưu lượng người tham gia giao thông lớn, cần xây dựng cầu vượt (hoặc đường hầm) dành cho người đi bộ.
Tại các điểm giao nhau quan trọng, có thể xây cầu vượt để tránh tình trạng giao nhau của các phương tiện giao thông. Một minh chứng cho sự hiệu quả của giải pháp này là rất nhiều các cầu vượt tại trung tâm thủ đô Bangkok đã được xây dựng, và góp phần hiệu quả vào nhiệm vụ giảm ùn tắc của thủ đô Thái Lan.
Thứ sáu, tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Để đảm bảo người tham gia giao thông thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông, trước hết cần tuyên truyền thật sâu, sát tới từng người dân.
Các quy định phải rõ ràng và được thể hiện tại các địa điểm mà người dân dễ thấy, dễ hiểu và dễ nhớ. Sau đó mới là biện pháp xử phạt hành chính “thật nghiêm” để đảm bảo người dân thực hiện tốt các quy định đó.
Thứ bảy, đổi giờ học, giờ làm, giảm cấp phép phương tiện giao thông, cấm đậu đỗ xe trong thành phố, cấm trông giữ xe trong thành phố, xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, ngoại ô... Đây là những biện pháp khá rõ ràng đã được các bộ ngành thảo luận cụ thể, áp dụng và có hiệu quả bước đầu.
b) Giải pháp dài hạn
Giải pháp dài hạn hay còn gọi là giải pháp chiến lược đều đã được các bộ ngành nêu rõ trong quy hoạch cũng như chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2050. Theo đó, tôi chỉ xin điểm qua và không bình luận nhiều về các chiến lược này.
Thứ nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng bằng cách mở rộng lòng đường, củng cố các tuyến đường quan trọng nhưng có chất lượng kém, quy hoạch đề án xây dựng đường sắt trên không và đường hầm, xây dựng thêm các tuyến đường cần thiết nhằm tách lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Thứ hai, quy hoạch các công trình công cộng như: nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, chung cư trong những năm tới ra khỏi trung tâm thành phố.
Các khu chung cư và khu công nghiệp, trường học cần được quy hoạch đủ gần, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người lao động, học sinh, sinh viên.
Thứ ba, thành lập trung tâm nghiên cứu và quy hoạch giao thông đô thị với nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau, nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau về lĩnh vực giao thông và quản lý giao thông.
Các nhiệm vụ, mục tiêu cần được hoạch định cụ thể, rõ ràng. Hệ thống giao thông là huyết mạch của đất nước, sự phát triển của giao thông một cách khoa học có chiến lược là điểm mấu chốt cơ bản của một nền kinh tế phát triển.
Đất nước ta cần và đã có các trung tâm nghiên cứu về toán học, vật lý, địa chất, chính trị…Nhưng sự tồn tại của một trung tâm nghiên cứu và quy hoạch giao thông cũng không kém phần quan trọng.
Lê Đăng