Nghiên cứu những vi khuẩn có lợi xung quang môi trường, các nhà khoa học Đại học Bách Khoa HongKong sử dụng một loài vi khuẩn phổ biến để thu nhận và loại bỏ các vi nhựa, giúp quá trình tái chế dễ dàng hơn.
Loài vi khuẩn được nhóm sử dụng có tên Pseudomonas aeruginosa, tồn tại nhiều trong môi trường đất, nước, kể cả trên các vi nhựa. Trong điều kiện môi trường thích hợp, vi khuẩn này tạo ra loại chất dính, có vai trò là màng sinh học thu giữ các hạt vi nhựa. Màng sinh học này làm các thành phần kết tụ lại với nhau chìm xuống với số lượng lớn.
Yang Liu, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, phương pháp này giúp việc thu thập vi nhựa trong lò phản ứng sinh học phòng thí nghiệm trở nên dễ dàng hơn. "Một khi vi nhựa bị màng sinh học thu giữ và chìm xuống đáy lò phản ứng, các nhà nghiên cứu có thể lấy màng sinh học loại bỏ vi nhựa", Yang Liu nói.
Vi nhựa có đường kính nhỏ hơn 5 mm, nguy hại đến chuỗi thức ăn và sức khỏe con người, trong khi các nhà máy xử lý nước thải khó loại bỏ. Chúng không dễ phân hủy sinh học và tồn tại trong hệ sinh thái trong thời gian dài. Những vi sinh vật hấp thụ và lưu giữ vi nhựa, đi vào chuỗi thức ăn. Vi nhựa dễ dàng hấp thụ các chất ô nhiễm độc hại kim loại nặng và dư lượng thuốc ở nồng độ cao. Điều này gây ra độc tính sinh học và hóa học với các sinh vật trong hệ sinh thái.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phương pháp này có thể được áp dụng trong các nhà máy xử lý nước thải để ngăn chặn vi nhựa rò rỉ ra đại dương. "Nếu thu thập và xử lý hiệu quả, vi nhựa có thể được tái chế", Liu nói.
Nguyễn Xuân (Theo CnBeta)