Riêng số lao động đã tuyển, đã nộp tiền và đang đợi visa, Cục yêu cầu doanh nghiệp phải tập trung giải quyết, hoàn tất thủ tục để đưa họ đi làm việc theo đúng hợp đồng. Cục cũng yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình lao động bỏ trốn tại Séc, cũng như biện pháp quản lý số nhân công này.
Chỉ đạo trên được đưa ra sau buổi làm việc của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với các bộ Tư pháp, Ngoại giao, Công an. Hiện việc làm thủ tục cho lao động nhập cảnh Cộng hòa Séc gặp rất nhiều khó khăn, chỉ một số ít xin được visa. Một số bị “cò” lợi dụng đẩy giá xin visa lên rất cao, nhưng tiền mất mà visa thì không xin được.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động, là do nóng lòng muốn sang sớm nên lao động, thông qua các "cò", chấp nhận nộp chi phí cao để xin visa kinh doanh, trong khi đáng ra phải xin visa lao động. Hiện nay khoảng 80% lao động VN làm việc tại các doanh nghiệp của Séc là đi theo visa kinh doanh, chỉ 20% đi theo visa lao động.
Chính sự lộn xộn trong việc làm thủ tục nhập cảnh và cả sự lộn xộn do số lao động sang bằng visa kinh doanh, nhưng không được quản lý chặt chẽ đã khiến Cộng hòa Séc thắt chặt việc nhập nhân công nước ngoài. Có thời điểm, Đại sứ quán Séc tại Hà Nội tạm dừng việc cấp visa.
Hiện Việt Nam có 34 doanh nghiệp tham gia thị trường Séc. Tuy nhiên, số lao động sang làm việc rất ít, chỉ trên 1.000.
Hồng Khánh