Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 bậc Tiểu học mới được tổ chức ở tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trước yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bậc học Tiểu học còn nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung rà soát quy hoạch trường lớp và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Thời gian qua, công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở bậc Tiểu học đã được địa phương tích cực triển khai, số giáo viên đạt chuẩn (theo chuẩn cũ) khá cao. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng, nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì còn nhiều giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ từ mô hình VNEN, Bộ trưởng cho rằng do chưa có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nên dẫn tới việc triển khai chưa đạt được yêu cầu như mong muốn, dù đây là phương pháp học tập rất tiến bộ và ưu việt.
Về mô hình trường học mới VNEN, Bộ trưởng yêu cầu các Sở Giáo dục phải rà soát, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai. Các trường không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất theo phương pháp dạy học mới này.
Trước tình trạng vẫn còn có nơi, có chỗ tổ chức dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương chỉ đạo chấm dứt. Hiện Bộ đã có văn bản chỉ đạo chỉ được dạy, chuẩn bị cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 những kỹ năng làm quen với chữ cái, các hoạt động làm quen với môi trường học.
Việc dạy thêm, học thêm, theo Bộ trưởng, cũng phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh xảy ra tình trạng dạy thêm kiến thức nâng cao hoặc biến tướng buổi thứ hai thành buổi học thêm trong các trường học hai buổi một ngày.
Sau một năm triển khai Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học (thay thế Thông tư 30), Bộ trưởng khẳng định, công tác đánh giá học sinh Tiểu học đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên nhiều nơi còn tình trạng khen tràn lan, khen không phù hợp. Năm học tới, Vụ Giáo dục Tiểu học tiếp tục tổ chức tập huấn cho giáo viên thực hiện tốt đánh giá học sinh theo Thông tư 22 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để giảm tải cho giáo viên trong đánh giá học sinh.
Bộ trưởng nhấn mạnh “ở đâu còn bệnh thành tích, khen thưởng tràn lan, khen thưởng không phù hợp, ảnh hưởng tới tinh thần nhân văn trong đánh giá học sinh Tiểu học, Giám đốc Sở Giáo dục ở đó phải chịu trách nhiệm”.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ, đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh. Theo chương trình EN, học sinh đóng vai trò trung tâm trong khi giáo viên chỉ là người hướng dẫn; nội dung học liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày; học sinh được phân thành nhóm có nhịp độ phát triển tương đồng mà không đánh đồng theo lứa tuổi; học sinh và giáo viên cùng tham gia tạo nên những sản phẩm phục vụ cộng đồng. Mô hình áp dụng tại Việt Nam có cải biên so với nguyên gốc và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng với thực trạng học sinh đang bị hao hụt dần vốn văn hóa thì đây là giải pháp tuyệt vời để góp phần bảo tồn nếp sống văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Tuy nhiên, đại đa số giáo viên "than" gặp khó, không phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu của số đông học sinh. |