Thông tin do bà Mika Sovak, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Nhượng quyền AstraZeneca, cho biết trong Hội nghị thế giới về Ung thư phổi (WCLC) 2023 của Hiệp hội Nghiên cứu ung thư phổi quốc tế (IASLC), diễn ra ở Singapore tháng 9. Hiện, AstraZeneca đã hợp tác với khoảng 10 bệnh viện ở Việt Nam để thí điểm ứng dụng AI trong X-quang phổi nhằm sàng lọc trước khi tiến hành tầm soát ung thư phổi.
Một số phương pháp khác như liệu pháp trúng đích cho các đột biến thường gặp trong ung thư phổi, bao gồm EGFR và HER2 hay thuốc liên hợp kháng thể (ADC) kết hợp với liệu pháp miễn dịch. Trong đó, người mang đột biến gene EGFR hiếm gặp (tỷ lệ <5%) là những thách thức trong điều trị.
Chia sẻ bên lề hội nghị, TS. BS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K, đánh giá điều trị ung thư phổi đang có nhiều bước tiến mới với nhiều công cụ sàng lọc sớm như chụp cắt lớp vi tính liều thấp để phát hiện tổn thương nhỏ hay AI giúp nhận diện tổn thương u hiệu quả, ít bỏ sót tổn thương.
"Trước đây, 70% bệnh nhân phát hiện giai đoạn muộn, thời gian sống không dài. Nay, tỷ lệ này giảm nhờ tầm soát phát hiện sớm, giảm bớt gánh nặng cho y tế", bác sĩ nói và cho rằng tầm soát sớm là chìa khóa giảm tỷ lệ tử vong, thậm chí khỏi bệnh nếu phát hiện điều trị sớm.
Ung thư phổi là một trong các loại ung thư hay gặp và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư, trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo GLOBOCAN 2018, số ca mới mắc ung thư phổi trên thế giới đứng hàng đầu với hơn hai triệu người mỗi năm, tỷ lệ tử vong cũng cao nhất trong số các bệnh ung thư với 1,76 triệu người một năm (18,4%).
Tại Việt Nam, tỷ lệ nam ung thư phổi nhiều gấp ba lần nữ. Trong đó, thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% ca ung thư phổi, trên 30% các loại ung thư khác. Số liệu từ Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cho thấy người hút thuốc có khả năng mắc ung thư phổi cao gấp từ 15 đến 30 lần so với người không hút. Ngoài ra, khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động, người không hút cũng hít phải các hợp chất gây ung thư, gây tăng nguy cơ mắc 20-30%.
Điều tra toàn cầu về thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS) năm 2020 cho thấy tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 42,3% và 1,7% ở nữ giới, đặt thách thức cho việc dự phòng ung thư phổi.
Ung thư phổi gồm loại không tế bào nhỏ điều trị ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh cao. 92% sống 5 năm nếu xử trí khi khối u kích thước dưới một cm, 1% sống sau 5 năm nếu ung thư đã di căn xa.
Bác sĩ khuyến cáo khi có triệu chứng bất thường như ho kéo dài, ho đờm, khó thở, tức ngực, mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân cần đi khám sớm. Nhóm nguy cơ cao như đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong 15 năm qua, làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, các chất phóng xạ, tiền sử gia đình có nhiều người mắc ung thư, nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh.