Gọi là thuốc đạn vì nó có hình thù giống như một viên đạn hoặc có hình thủy lôi, hai đầu thu nhỏ để dễ dàng đặt vào trực tràng và được giữ ở vị trí cần thiết, không bị đẩy ra bởi lực cản của cơ vòng hậu môn.
Hệ thống tĩnh mạch trực tràng rất dày, lưu lượng máu tuần hoàn khá lớn (khoảng 30 ml trong một phút) nên sự hấp thu thuốc qua đường này rất tốt. Đặc biệt, tĩnh mạch trực tràng dưới và tĩnh mạch trực tràng giữa đi thẳng vào tuần hoàn chung theo đường tĩnh mạch chủ, không qua gan, làm cho đường dùng thuốc này ưu việt hơn hẳn đường uống vì đỡ hại gan, đồng thời tác dụng của thuốc cũng cao do không bị phá hủy ở gan.
Để được hấp thu dễ dàng, thuốc đạn được bào chế bằng cách phối hợp dược chất với các tá dược có khả năng tan chảy ở nhiệt độ cơ thể (37 độ C), nghĩa là tan và rã ra nhanh chóng khi đặt vào trực tràng. Người ta còn phối hợp với các chất diện hoạt thích hợp nhằm giải phóng tối đa hoạt chất trong niêm dịch trực tràng, từ đó thuốc được hấp thu qua niêm mạc để đi vào vòng tuần hoàn chung qua hệ thống tĩnh mạch.
Việc sử dụng thuốc đạn giúp tránh được tương tác với bộ máy tiêu hóa, đặc biệt là những trường hợp dược chất gây kích ứng niêm mạc dạ dày hoặc thuốc bị dịch vị làm biến chất. Đây cũng là đường dùng tốt nhất với các thuốc có mùi vị khó chịu, dễ gây nôn mửa hoặc với những bệnh nhân bị tổn thương ở đường tiêu hóa, hay đang hôn mê, bất tỉnh không thể uống thuốc được. Đặc biệt, thuốc đạn rất phù hợp với trẻ em, vốn rất sợ uống và tiêm thuốc, lại dễ bị phản ứng phụ khi tiêm.
Tuy nhiên, không nên dùng thuốc đạn cho bệnh nhân bị táo bón hoặc trực tràng mới bị tổn thương (viêm hậu môn, viêm trực tràng, chảy máu trực tràng). Lớp niêm dịch ở trực tràng không bình thường sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, làm giảm tác dụng điều trị.
Thuốc đạn phải được bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 độ C nhằm bảo đảm đủ độ cứng, dễ dàng đưa vào trực tràng. Trường hợp nhiệt độ môi trường quá cao (ngày hè trời nóng), điều kiện bảo quản không tốt khiến thuốc không đủ độ cứng, trước khi dùng nên để vào tủ lạnh ít phút để nó cứng trở lại, thao tác được dễ dàng. Phải đặt viên thuốc vào khoảng 4 cm đầu tiên của trực tràng, vừa ngập hết chiều dài viên thuốc. Không nên ấn vào sâu quá để cố định viên thuốc tại vùng hấp thu mong muốn.
DS Phạm Hinh, Sức Khỏe & Đời Sống